Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sớm xóa bỏ bến bãi trái phép ven sông

Ánh Dương| 05/07/2021 06:40

(HNM) - Các bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông hoạt động trái phép không chỉ ảnh hưởng đến công tác bảo vệ đê điều, mà còn “tiếp tay” cho việc khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông. Để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trong mùa mưa bão năm 2021, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đang nỗ lực xử lý, sớm dứt điểm vấn nạn này.

Lối vào bãi tập kết vật liệu của Công ty TNHH Thanh Hiền đã được UBND xã Hải Bối (huyện Đông Anh) chôn cọc bê tông, ngăn chặn vận chuyển cát, sỏi. Ảnh: Lê Tiến

126 bến bãi hoạt động không phép, sai phép

Trên địa bàn huyện Gia Lâm có 25/33 bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông hoạt động không phép tại địa bàn các xã: Đặng Xá, Yên Viên, Đông Dư... Trong đó, có 13 bến bãi đã được huyện lập dự án đấu giá quyền sử dụng đất và 8 bến bãi cần giải tỏa, dừng hoạt động.

Tại huyện Đông Anh có 16/21 bến bãi hoạt động không phép trên tổng diện tích 149.580m2 đất sản xuất nông nghiệp do UBND cấp xã quản lý, đều đã hết hạn hợp đồng cho thuê. Trong đó, xã Hải Bối có 2 bãi tập kết của Công ty TNHH Diệp Trang và Công ty TNHH Thanh Hiền. Mặc dù UBND xã Hải Bối đã nhiều lần yêu cầu giải tỏa vật liệu, đình chỉ hoạt động, nhưng các chủ bãi cố tình không chấp hành.

Tương tự, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn Lê Thị Hải cho biết, huyện có 9 bãi chứa, trung chuyển cát sỏi hoạt động không phép thuộc địa bàn các xã: Bắc Phú, Kim Lũ, Trung Giã, Xuân Giang...

Theo thống kê của Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội, thành phố hiện còn 126/146 bãi tập kết trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động không phép, sai phép trên tổng diện tích hơn 90ha đất, nằm ven các sông: Hồng, Đà, Đuống, Công, Cầu... Hoạt động vận chuyển tại các bến bãi ven sông vào mùa mưa lũ gây nguy cơ sạt lở bờ sông, sụt lún đê, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống lụt bão. Do vậy, nhiều địa phương đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn, như: Lập barie, chôn cột bê tông đường vào bãi, tổ chức tuần tra kiểm soát..., nhưng vì xử lý không dứt điểm nên các bến bãi này vẫn hoạt động.

Siết chặt công tác quản lý

Trước thực trạng trên, ngày 30-3-2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm về pháp luật đê điều, thủy lợi trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, rà soát, có phương án quản lý, sử dụng đất tại các khu vực bãi sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều theo quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý, thu hồi theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi đối với diện tích đất bãi sông sử dụng sai mục đích...; đồng thời, yêu cầu các sở, ngành liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp kiểm tra, xử lý và đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố trong việc xử lý vi phạm pháp luật về đê điều...

Thượng tá Nguyễn Văn Ngân, Phó Trưởng Công an huyện Sóc Sơn thông tin, từ năm 2020 đến nay, Công an huyện đã tăng cường tuần tra địa bàn và các xã đã nỗ lực ngăn chặn hoạt động bến bãi không phép, nên toàn huyện chỉ xảy ra 3 vụ khai thác cát trái phép. Cũng theo Thượng tá Nguyễn Văn Ngân, nếu các địa phương kiên quyết giải tỏa dứt điểm bến bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép sẽ góp phần ngăn chặn và tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác cát trái phép ở lòng sông, do các đối tượng vi phạm không có nơi để tập kết vật liệu.

Tương tự, Thượng tá Lê Văn Thắng, Phó Trưởng Công an huyện Đông Anh cho biết, đơn vị đã kiến nghị UBND huyện chỉ đạo UBND các xã ven sông Hồng, Đuống, Cà Lồ giải tỏa dứt điểm, thu hồi diện tích đất bị các tổ chức, cá nhân lấn chiếm, sử dụng làm bãi chứa vật liệu trái phép; cưỡng chế phá dỡ bến thủy nội địa không phép để ngăn chặn các tàu, thuyền cập bến, vận chuyển cát, sỏi lên bãi...

Quyết tâm xử lý dứt điểm vi phạm, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Bối (huyện Đông Anh) Lê Tư Tiến cho hay, xã đã tổ chức đóng cọc xi măng trên lối ra vào các bãi chứa không phép trên địa bàn nhằm ngăn chặn hoạt động tập kết, vận chuyển cát sỏi và sẽ cưỡng chế giải tỏa theo quy định.

Từ thực tế còn nhiều bến bãi trái phép ngang nhiên hoạt động trên địa bàn, UBND huyện Gia Lâm cũng đã chỉ đạo các xã: Trung Mầu, Phù Đổng, Dương Hà, Yên Viên... tổ chức ngăn chặn đường ra, vào của 15 bãi chứa vi phạm; giao Công an huyện và UBND xã Bát Tràng phối hợp với các ngành liên quan tổ chức ngăn chặn triệt để tàu thuyền neo đậu và bơm cát trái phép lên 2 bãi chứa thuộc địa bàn xã.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Quyến thông tin thêm, tháng 6 vừa qua, Sở NN&PTNT đã có nhiều văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã có đê đình chỉ mọi hoạt động tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trong mùa mưa bão; xử lý nghiêm, xóa bỏ việc sử dụng bến bãi trái phép ven sông và xem xét, xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND cấp xã để xảy ra vi phạm nghiêm trọng, kéo dài..., nhằm siết chặt công tác quản lý các bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông trên địa bàn thành phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sớm xóa bỏ bến bãi trái phép ven sông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.