Trên một tuyến đường ngắn nhưng phải “cõng” lượng lớn học sinh của 5 trường học, cư dân của 1 chung cư cao tầng khiến tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại ngõ 168 đường Nguyễn Xiển, thuộc địa phận các phường: Thanh Xuân Nam, Hạ Đình (quận Thanh Xuân) và xã Tân Triều (huyện Thanh Trì).
Để giải phóng nút thắt này, quận Thanh Xuân đang quyết liệt triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vào cụm các trường học.
Trong tuyến ngõ 168 đường Nguyễn Xiển có tới 5 trường học (4 trường công lập và 1 trường dân lập), gồm: Trường Mầm non Tuổi hoa, Trường Tiểu học Thanh Xuân Nam, Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân Nam, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Lân, Trường liên cấp Trung học cơ sở - Tiểu học Vietschool Pandora.
Do hai đầu ngõ 168 Nguyễn Xiển đều vướng công trình xây dựng, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng nên nhiều năm nay, tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm diễn ra thường xuyên, gây bức xúc cho người dân và phụ huynh học sinh của 5 trường học.
Giải quyết thực trạng này, ngày 30-10-2017, UBND quận Thanh Xuân đã ban hành Quyết định số 4338/QĐ-UBND phê duyệt Dự án xây dựng tuyến đường vào cụm 3 trường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân). Dự án thực hiện trong giai đoạn 2017-2019. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai toàn bộ do vướng mặt bằng.
Là hộ dân thuộc diện bị giải tỏa toàn bộ nhà, đất phục vụ dự án, ông Nguyễn Văn Dần (số nhà 70, ngõ 475/20/63 phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) cho biết: “Gia đình tôi ở trên mảnh đất này từ năm 2003. Theo phương án bồi thường, hỗ trợ, gia đình tôi được nhận 377 triệu đồng, được mua 1 căn chung cư tái định cư với giá khoảng 1,4 tỷ đồng. Số tiền phải nộp thêm để mua được nhà tái định cư là quá lớn. Tôi đề nghị, thời điểm bồi thường, hỗ trợ cho các hộ bị thu hồi đất là năm 2017, thì giá nhà ở tái định cư cũng áp tại thời điểm năm 2017”.
Cũng thuộc diện bị cắt xén một phần công trình nhà ở để phục vụ dự án, bà Lê Thị Hạnh (số nhà 53, ngõ 475/20/63, tổ dân phố 16, phường Hạ Đình) đồng thuận với việc mở đường vào trường học. Tuy nhiên, công trình của gia đình bà bị cắt 13,99m2/gần 35m2, được bồi thường gần 100 triệu đồng, phải xây dựng lại nên bà Hạnh đề nghị quận Thanh Xuân tăng giá bồi thường, hỗ trợ để gia đình đỡ phần khó khăn...
Trước những kiến nghị nêu trên, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân Nguyễn Hoàng Đại cho biết, đến nay, 4/4 tổ chức và 81/114 hộ đã nhận tiền, bàn giao mặt bằng. Hiện còn 33 trường hợp chưa nhận tiền, chưa bàn giao mặt bằng vì cho rằng mức bồi thường, hỗ trợ quá thấp; nhiều hộ không được xét mua nhà tái định cư vì sử dụng đất có nguồn gốc là đất nông nghiệp sau ngày 1-7-2004...
Trước đề xuất trên, liên ngành thành phố cũng đã có tờ trình UBND thành phố về tháo gỡ chính sách bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư khi thực hiện giải phóng mặt bằng dự án. Theo đó, liên ngành đưa ra những chính sách có lợi nhất cho người bị thu hồi đất. Do sự cấp thiết của dự án, UBND quận kiên quyết sẽ giải phóng mặt bằng trong thời gian tới. Dự kiến, trong tháng 11-2023, quận sẽ cưỡng chế đợt 1 với 14 hộ dân.
Chủ tịch UBND phường Hạ Đình Nguyễn Hồng Thái thông tin: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vào cụm 3 trường là dự án phát triển hạ tầng, không phải dự án phát triển nhà ở. Cơ quan chức năng đã vận dụng tối đa chính sách hỗ trợ hộ dân. Phường rất mong các hộ bàn giao mặt bằng để dự án được triển khai thuận lợi...
Địa bàn phường Hạ Đình chỉ có 2 tuyến giao thông “xương sống” là Khương Đình và Nguyễn Xiển. Việc mở rộng ngõ 168 đường Nguyễn Xiển sẽ mang lại “bộ mặt” đô thị mới khang trang và tạo điều kiện cho địa phương phát triển. Vì lợi ích chung của cộng đồng, dự án cần sớm được triển khai trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của hộ bị thu hồi đất và đúng quy định pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.