(HNM) - Tốc độ cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang diễn ra nhanh chóng. Tình hình hoạt động của các tổ chức Đảng trong DNNN vì thế cũng đứng trước những thay đổi.
Tổ chức Đảng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trong ảnh: Công nhân Tổng công ty Khí Việt Nam vận hành dây chuyền sản xuất. Ảnh: Viết Thành |
Nhiều vấn đề đặt ra
Từ năm 2004, Thành ủy Hà Nội đã chủ động xác lập mô hình tổ chức Đảng trong các TCT hợp lý, phù hợp. Theo đánh giá chung, các đảng ủy TCT trực thuộc Thành ủy đã chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định; từng bước hoàn thiện mô hình tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để phù hợp với mô hình quản trị doanh nghiệp theo từng thời kỳ.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, mô hình tổ chức Đảng trong các TCT đã nảy sinh những bất cập. Trước đây, 15 TCT có tổ chức Đảng trực thuộc Thành ủy Hà Nội đều là các DNNN, nhưng hiện nay, 13/15 TCT đã và đang cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Trong các TCT, nhiều loại hình doanh nghiệp đan xen cùng hoạt động dẫn tới có nhiều loại hình tổ chức Đảng tương ứng trực thuộc đảng bộ TCT. Tình hình trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến vai trò của đảng ủy TCT trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội.
Đây không phải là vấn đề riêng của Hà Nội mà là vấn đề chung trên cả nước. Ngay cả những tập đoàn, TCT lớn cũng đang gặp khó khăn về mô hình tổ chức. Hiện nay, trong số các tập đoàn, TCT trực thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp trung ương, chỉ có Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam thực hiện mô hình đảng bộ toàn TCT. Yêu cầu cần có một quy định thống nhất từ trung ương nhằm giải quyết những vấn đề trên là rất cần thiết.
Sớm ban hành quy định
Trong chương trình làm việc năm 2016, Ban Bí thư sẽ xem xét ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở Đảng trong các DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối. Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình, quy định này là văn bản quan trọng, liên quan trực tiếp đến vai trò lãnh đạo của các đảng ủy cấp trên cơ sở trong tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước, có quan hệ trực tiếp đến nhiều cấp, ngành.
Dự thảo lần thứ tư quy định gồm 5 chương, 16 điều đang tiếp tục được hoàn thiện. Sự mong đợi của các cấp ủy đối với quy định trên là rất lớn. Mong muốn quy định bảo đảm tính khoa học, thực tiễn, thống nhất và toàn diện, hầu hết các ý kiến cho rằng, nên thống nhất thực hiện mô hình đảng bộ toàn tập đoàn, TCT. Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam Phạm Xuân Cảnh khẳng định, mô hình toàn tập đoàn đem lại nhiều thuận lợi trong hoạt động, bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, xuyên suốt và hiệu quả. Trong khi đó, Bí thư Đảng ủy VietinBank Nguyễn Văn Thắng nêu vấn đề: “Đảng bộ VietinBank chưa theo mô hình toàn tập đoàn, tổ chức Đảng ở các chi nhánh còn trực thuộc đảng bộ địa phương. Do đó, có những nơi chỉ đạo hoạt động kinh doanh rất khó khăn, vì địa phương yêu cầu cho vay dự án này, dự án kia, trong khi theo đánh giá của ngân hàng thì dự án rủi ro cao. Không cho vay theo chỉ đạo của địa phương thì bị phê bình”.
Từ thực tiễn tại Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng kiến nghị, quy định của trung ương cần giúp hoàn thiện mô hình tổ chức Đảng trong các tập đoàn kinh tế, TCT thuộc các thành phần kinh tế; tránh tình trạng đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc đảng bộ cấp trên cơ sở; đảng bộ doanh nghiệp thành viên có cùng cấp với đảng bộ tập đoàn kinh tế, TCT. Đồng chí cũng đề nghị trung ương xây dựng tiêu chí và hướng dẫn quy trình cụ thể, tạo điều kiện cho việc chuyển giao, tiếp nhận tổ chức Đảng giữa trung ương và các tỉnh, thành ủy được thuận lợi. Thành ủy Hà Nội đồng thời kiến nghị trung ương ban hành các văn bản quy định cụ thể về chế độ tiền lương, phụ cấp và chính sách đối với cán bộ làm chuyên trách công tác Đảng trong các loại hình doanh nghiệp (nói chung), trong các Đảng ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở Đảng trong các DNNN và DN có vốn nhà nước chi phối (nói riêng), để cán bộ chuyên tâm làm chuyên trách công tác Đảng…
Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu đối với tổ chức Đảng trong các DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối phải hoàn thiện đồng bộ giữa mô hình tổ chức doanh nghiệp với đổi mới, hoàn thiện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, kiện toàn tổ chức bộ máy phải gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên... Cùng với nỗ lực của các tổ chức Đảng, cần sớm có những quy định chung từ trung ương làm căn cứ thực hiện đổi mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.