(HNM) - Chuẩn bị vào năm học mới, nhiều phụ huynh bắt đầu lo lắng về
Ông Vũ Minh Đức (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy): Cần công khai danh mục các khoản thu
Tôi cho rằng, công khai là cách làm thiết thực, bởi hằng năm Sở GD-ĐT đều có hướng dẫn về các khoản thu, song không phải phụ huynh nào cũng thông tỏ nội dung của văn bản hướng dẫn đó. Công khai danh mục các khoản thu khác ngoài học phí sẽ hạn chế những nhập nhèm giữa khoản thu bắt buộc và tự nguyện. Ngoài ra, Sở GD-ĐT cũng cần quy định rõ về cách sử dụng và sự giải trình của các trường với các khoản thu đó. Mặt khác, đối với những công trình "xã hội hóa", phụ huynh học sinh (PHHS) phải là những người giám sát độc lập, không phụ thuộc vào nhà trường.
Các khoản thu đầu năm học mới là điều phụ huynh quan tâm. Ảnh: Thanh Phương
Chị Vũ Hải Yến (phường Quang Trung, quận Hà Đông): Phụ huynh phải được "giám sát" trực tiếp
Việc công khai trên phương tiện thông tin đại chúng danh mục các khoản thu khác ngoài học phí nhằm để mọi người dân cùng hiểu, cùng giám sát việc thu, chi. Song, theo tôi sự giám sát sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi phần lớn việc chi những khoản tiền này (trừ một số khoản thu hộ) đều do đại diện ban cha mẹ học sinh thực hiện và hầu hết những người này vẫn phụ thuộc vào nhà trường, không có chính kiến riêng, ít người đấu tranh vì quyền lợi của học sinh. Vì vậy, mọi hoạt động thu, chi phải được công khai đến tất cả phụ huynh để họ giám sát đồng tiền do mình bỏ ra. Bên cạnh đó, nhà trường cũng nên lấy ý kiến của phụ huynh bằng cách bỏ phiếu kín, tránh sự trù úm của giáo viên chủ nhiệm đối với học sinh...
Ông Võ Trọng Hữu (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng): Gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương
Hằng năm, Sở GD-ĐT đều phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn các trường thu các khoản và chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thu sai, thu nhiều, nhưng thực tế năm nào cũng có không ít trường còn sai sót, nhưng chẳng thấy lãnh đạo địa phương nào chịu trách nhiệm về việc này. Theo tôi, để chấn chỉnh được tình trạng "lạm thu" tại các cơ sở giáo dục, cần phải gắn chặt trách nhiệm của chính quyền địa phương vào việc này và là một trong những chỉ tiêu xếp loại thi đua hằng năm của địa phương đó. Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng thu sai, thu nhiều, thì cả người đứng đầu và địa phương đó phải bị hạ bậc thi đua.
Chị Nguyễn Thị Hồng (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức): Tăng cường công tác thanh, kiểm tra của ngành
Được biết, việc xây dựng danh mục và quy định mức trần các khoản thu phải thực hiện trên nguyên tắc thu đúng, thu đủ chi. Nghĩa là nếu không theo mức trần thì từng trường vẫn có mức thu riêng và mức thu thế nào phải phụ thuộc vào việc lấy ý kiến PHHS đối với những khoản thu tự nguyện, thu thỏa thuận. Tuy nhiên, ở khía cạnh này cũng có cái khó, nhiều PHHS không dám phát biểu suy nghĩ thực của mình vì nhiều lý do tế nhị, bởi thế phần lớn họ lại gật đầu với mức ấn định của ban đại diện cha mẹ học sinh. Vấn đề là làm thế nào để phụ huynh dám phát biểu quan điểm của mình và giáo viên chủ nhiệm không thể trù úm học sinh? Việc này ngành giáo dục phải giải quyết từng bước thông qua công tác thanh, kiểm tra và phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng với thái độ nghiêm túc, quyết liệt hơn...
Ông Nguyễn Văn Tuấn (phường Bồ Đề, quận Long Biên): Nên có hướng dẫn sớm hơn
Thông thường các trường học xây dựng kế hoạch thu, chi các khoản ngoài học phí từ tháng 8 để khi bước vào năm học mới là triển khai đến các PHHS và tiến hành thu luôn. Chính vì vậy, năm học trước (2011-2012) đã xảy ra tình trạng, nhiều trường đã thu theo kế hoạch, sau đó mới nhận được thông báo, hướng dẫn của ngành GD-ĐT, khiến không ít trường phải trả lại học sinh một số khoản đã tạm thu, có trường "biến tướng" sang các khoản khác. Theo tôi, để các trường chủ động trong công tác thu, chi, Sở GD-ĐT Hà Nội cần phối hợp với Sở Tài chính xây dựng danh mục các khoản thu ngoài học phí sớm hơn và ngay từ đầu tháng 8 hằng năm đã công khai các danh mục đó trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi PHHS đều biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.