(HNM) - Sau hơn 5 năm thi hành, Luật Đấu giá tài sản đã bộc lộ nhiều hạn chế do quy định pháp lý chưa chặt chẽ, chưa bắt kịp xu hướng thời cuộc. Bộ Tư pháp đang bắt tay vào hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản với tiêu chí bảo đảm chặt chẽ, công khai, qua đó sớm ngăn chặn hiện tượng dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”…
Theo Bộ Tư pháp, thời gian qua, các Sở Tư pháp địa phương đã tiến hành khoảng 200 cuộc thanh tra về tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản; ban hành hơn 70 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Qua đó, phát hiện nhiều vi phạm tập trung vào những hành vi không đúng quy định, như niêm yết, thông báo công khai việc đấu giá; ban hành quy chế đấu giá; bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá; thu tiền đặt, trả tiền trước... Ở một số trường hợp khác, cơ quan chức năng phát hiện ra việc người có tài sản, tổ chức đấu giá tài sản thu thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá không đúng quy định.
Những sai phạm này cản trở, gây khó cho người tham gia đấu giá, đồng thời trong một số trường hợp đã tạo kẽ hở, gây ra tình trạng thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ” giữa những người tham gia đấu giá. Tuy nhiên, Luật Đấu giá tài sản thiếu chế tài ngăn chặn, quy định pháp lý chưa bắt kịp xu hướng thời cuộc.
Từ thực tiễn triển khai các cuộc đấu giá, Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt cho rằng, hiện còn thiếu những chính sách để hỗ trợ công tác đấu giá phát triển theo kịp với các nước. Ở các nước phát triển, đấu giá trực tuyến vừa phù hợp xu thế, lại bảo đảm minh bạch hơn. Vì vậy Việt Nam cần phát triển hệ thống mạng đấu giá quốc gia, đấu giá trực tuyến. Đồng thời có thể cân nhắc thêm quy định giới hạn phạm vi về tài sản hoặc theo giá trị tài sản là từ bao nhiêu thì sẽ thực hiện đấu giá bằng hình thức trực tuyến thông qua hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia.
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu (nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp) cho rằng, không chỉ pháp luật về đấu giá thiếu một số quy định quan trọng, một số quy định không phù hợp thực tiễn mà còn có sự thiếu thống nhất. Ví dụ như quy định về thanh toán tiền đấu giá quyền sử dụng đất còn vênh nhau khi Bộ Tài chính quy định nếu chậm thanh toán thì trả lãi, nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định nếu chậm thanh toán thì hủy kết quả đấu giá... Bên cạnh đó, chế tài chưa đủ mạnh, thanh tra phát hiện ra vi phạm nhưng không xử lý được, việc áp dụng pháp luật cũng còn khó khăn...
Để khắc phục những tồn tại trên, ông Phan Chí Hiếu chỉ ra một số nhóm chính sách cần quan tâm là xác định rõ phạm vi áp dụng, mối quan hệ giữa Luật Đấu giá tài sản và các luật khác; quy định rõ, chặt chẽ hợp lý hơn về trình tự thủ tục bán đấu giá tài sản; xử lý vướng mắc trong hoạt động đấu giá; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong đấu giá tài sản; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm…
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi khẳng định, thúc đẩy hoạt động đấu giá theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản là rất cần thiết và cấp bách. Hiện Bộ Tư pháp đang xây dựng Luật Đấu giá tài sản sửa đổi. Quá trình triển khai sẽ tập trung giải quyết 3 nhóm chính sách lớn, gồm: Hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên để phát triển hợp lý số lượng và nâng cao một bước chất lượng đội ngũ đấu giá viên; cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản trong hoạt động hành nghề. Quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản phù hợp thực tiễn, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, thống nhất; tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong đấu giá tài sản. Cùng với đó là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đối với hoạt động đấu giá tài sản; hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm cũng sẽ chặt chẽ hơn để nâng cao chất lượng công tác đấu giá tài sản; hạn chế được “quân xanh, quân đỏ”, dìm giá, tạo sự công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp, thống nhất các quy định về đấu giá, qua đó phòng, chống tiêu cực, hạn chế thất thoát tài sản công…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.