Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sớm hòa lưới điện quốc gia cho Côn Đảo

Nhóm phóng viên| 15/06/2022 07:05

(HNM) - Đến tháng 6-2022, huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng địa bàn cửa ngõ Biển Đông, các cấp, ngành chức năng đang đề xuất phương án hòa lưới điện quốc gia từ đất liền ra đảo, dần bổ sung và thay thế nguồn điện tại chỗ hiện có giá thành cao, sắp hết dư địa phát triển.

Nhu cầu sử dụng điện tại huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tăng nhanh do tốc độ phát triển du lịch.

Nhu cầu điện năng ngày càng tăng

Huyện Côn Đảo là một quần đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ, tổng diện tích hơn 76km2, với đảo Côn Sơn lớn nhất (rộng khoảng 52km2). Quần đảo cách bờ thành phố Vũng Tàu 185km; cách cửa sông Hậu thuộc tỉnh Sóc Trăng khoảng 83km. Huyện đảo có đa phần địa hình là đồi núi và các cánh rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn. Côn Đảo có hơn 8.000 dân, sống tập trung trên đảo lớn Côn Sơn.

Ngoài việc có vị trí chiến lược trong nhiệm vụ giữ vững an ninh chủ quyền biển đảo Việt Nam ở cửa ngõ Biển Đông, huyện Côn Đảo còn đang vươn mình mạnh mẽ để trở thành điểm nghỉ dưỡng du lịch hàng đầu của Việt Nam. Chỉ tính riêng lĩnh vực lữ hành, theo Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2020 (trước dịch Covid-19), lượng du khách đến Côn Đảo là 320.000 lượt, vượt quá con số dự báo trước đó là 300.000 lượt cho năm 2030.

Nhu cầu điện năng ngày càng tăng ở Côn Đảo đang là một trong những thách thức mà địa phương phải đối mặt. Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Thanh Hải cho biết, tại Côn Đảo đang có 9 tổ máy phát điện chạy dầu diesel, tổng công suất 11.820kW và hệ thống điện mặt trời quy mô nhỏ với tổng công suất 136kWp. Hệ thống cung cấp điện năng này hiện chỉ đủ cho một số hoạt động dịch vụ tối thiểu, không đủ đáp ứng hoạt động công nghiệp, sản xuất....

“Không những thế, ngành Điện Bà Rịa - Vũng Tàu phải bù lỗ chi phí chạy máy phát điện diesel trong nhiều năm qua. Trong đó, năm 2021 bù lỗ 83,91 tỷ đồng và dự kiến năm 2022 sẽ bù lỗ hơn 174 tỷ đồng”, ông Trần Thanh Hải thông tin. Như một giải pháp tình thế, ngành Điện và chính quyền địa phương đã và đang vận động các khách sạn, khu nghỉ dưỡng lớn tự trang bị máy phát điện diesel, chấp nhận việc chạy máy gây ô nhiễm.

Theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 4694/QĐ-BCT ngày 1-12-2016, nhu cầu điện của huyện Côn Đảo đến năm 2025 dự báo là 21MW, đến năm 2030 là 33,3MW và 46,4MW vào năm 2035. Trong khi đó, nguồn điện cung cấp cực đại tại chỗ hiện chỉ đạt hơn 11,8MW (công suất khả dụng 9,6MW), thiếu hụt rất nhiều so với nhu cầu thực tế.

Kết nối nguồn điện từ bờ là tối ưu

Để tăng công suất điện giai đoạn 2021-2025 cho Côn Đảo, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) sắp đầu tư lắp đặt 6 tổ máy với công suất phát 1.500kW tại Nhà máy điện An Hội. Công suất này chưa đủ đáp ứng nhu cầu, trong khi giá điện cao, gây ô nhiễm môi trường. Về điện mặt trời, huyện đảo có phần lớn diện tích là đất rừng, núi cao, không thích hợp để phát triển. Về điện gió, ngành Điện đã bổ sung quy hoạch 2 nhà máy Côn Đảo 1, Côn Đảo 2 với công suất 7MW, nhưng nhà đầu tư chưa triển khai dự án do chưa thống nhất được giá bán điện.

Trung tướng Châu Văn Mẫn, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chia sẻ: “Những huyện đảo quy mô lớn như Cát Bà (thành phố Hải Phòng), Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đều đã được cấp điện lưới từ bờ. Riêng Phú Quốc trong 10 năm qua đã có 2 tuyến cáp (tuyến ngầm 100kV và đường dây 220kV trên biển) mang điện ra đảo. Vì vậy, Côn Đảo cũng rất cần được hòa lưới điện từ đất liền”. Đồng quan điểm, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Trọng Minh nhận định: “Dự án điện lưới cho Côn Đảo không chỉ đơn thuần phục vụ kinh tế; ý nghĩa chiến lược về phát triển đời sống, tôn tạo giá trị di tích lịch sử, bảo đảm quốc phòng, an ninh… mới là điểm mấu chốt”.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang có 5 phương án cấp điện cho Côn Đảo, gồm 3 phương án cấp điện bằng lưới điện quốc gia, 2 phương án đầu tư nguồn cấp điện tại chỗ (nhiệt điện, quang và phong điện). Theo EVN, phương án cấp điện từ lưới điện quốc gia từ trạm 220kV Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đến đảo lớn Côn Sơn là tối ưu, vừa ổn định lâu dài, vừa bảo tồn được rừng quốc gia và các di tích lịch sử trên đảo.

Theo phương án này, điện sẽ được lấy từ Sóc Trăng, ra đến đảo Côn Sơn theo đường dây dài 23,1km trên bờ; cáp ngầm biển hơn 73km và cáp ngầm dưới đất 6,1km cùng với hệ thống trạm biến áp 110kV. Tổng vốn đầu tư là hơn 4.950 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2025. Hiện Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương về phương án này.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh: “Huyện Côn Đảo được Chính phủ định hướng phát triển thành “Khu kinh tế - du lịch và dịch vụ chất lượng cao”. Khi có điện từ bờ, công suất cấp điện cho Côn Đảo năm 2025 khoảng 28,8MW, năm 2030 là 82,4MW và năm 2035 khoảng 95,8MW, cơ bản đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh...”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sớm hòa lưới điện quốc gia cho Côn Đảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.