(HNM) - Gần đây, không ít người chọn phương án rút bảo hiểm xã hội một lần để có khoản tiền trang trải cho cuộc sống, tuy giải quyết được nhu cầu trước mắt nhưng bất lợi về lâu dài. Trong bối cảnh đó, người lao động mong muốn được tiếp cận các gói hỗ trợ hoặc nguồn vốn ưu đãi để ổn định cuộc sống, yên tâm tham gia bảo hiểm xã hội.
Cái khó bó cái khôn
Trở về quê tại xã Vật Lại (huyện Ba Vì) vào tháng 4-2023 sau gần 11 năm làm việc và tham gia bảo hiểm xã hội tại tỉnh Bình Dương, việc đầu tiên anh Nguyễn Văn Toán nghĩ đến là mở cửa hàng đóng mới, sửa chữa giày, dép để “tái thiết” cuộc sống. Đây là công việc anh Toán đã có kinh nghiệm nên có thể khởi động ngay, nhưng lại thiếu nguồn vốn để thực hiện.
Anh Nguyễn Văn Toán giãi bày: “Với đồng lương công nhân ở nơi đất khách, quê người, chúng tôi chỉ đủ chi phí cho cuộc sống thường nhật, hầu như không có tích lũy. Để có nguồn vốn mở cửa hàng nhỏ, tôi chọn phương án rút bảo hiểm xã hội một lần. Dù rất muốn tiếp tục tham gia theo hình thức tự nguyện nhưng cái khó đã bó cái khôn, tôi không còn cách nào khác”.
Trường hợp khác bị ảnh hưởng về việc làm và rút bảo hiểm xã hội một lần là chị Lê Thị Thúy, trú tại thị trấn Quang Minh (huyện Mê Linh). Chị Thúy kể, chồng chị là lao động tự do, thu nhập bấp bênh, không thể cáng đáng được gia đình gồm 5 thành viên, có mẹ già và hai con nhỏ, trong lúc chị bị mất việc làm, tạm thời chưa có nguồn thu nhập thay thế.
Những dẫn chứng nêu trên càng cho thấy rõ một điều, khi gặp khó khăn, người lao động thường lo cơm áo trước khi quan tâm đến việc bảo đảm an sinh cho bản thân. Thế nên, không khó để lý giải, số người rút bảo hiểm xã hội một lần tại Hà Nội có xu hướng tăng. Từ đầu năm 2023 đến nay, trung bình mỗi tháng, Hà Nội ghi nhận hơn 3.000 người đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng hơn 200 người/tháng so với cùng kỳ năm 2022. Còn trên phạm vi cả nước, mỗi tháng, các cơ quan chức năng giải quyết cho khoảng 90.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng gần 20.000 người/tháng so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, số người rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội gần bằng số người mới tham gia.
Dưới góc độ thực hiện chính sách, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá: “Không phải tất cả số người rút bảo hiểm xã hội một lần đều bị ảnh hưởng về việc làm, gặp khó khăn trong cuộc sống. Nhưng rõ ràng, đây là nguyên nhân cơ bản”.
Cần hỗ trợ kịp thời
Tình trạng người lao động bị ảnh hưởng về việc làm, rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội chủ yếu tập trung tại một số tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Vì thế, nếu không có phương án hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người lao động có thể dẫn đến hệ lụy kép, vừa giảm số người được bảo vệ bởi lưới an sinh, vừa tiềm ẩn nguy cơ thiếu lao động biết việc, thạo nghề khi thị trường việc làm phục hồi…
Để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công mong muốn các bộ, ngành chức năng thiết kế gói tín dụng cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0% trong khoảng thời gian nhất định. Doanh nghiệp sẽ dùng số tiền này để duy trì việc làm, trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Tương tự, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, hiện nay, nhiều doanh nghiệp cần được tiếp cận với gói tín dụng đặc thù từ Ngân hàng Chính sách xã hội mới đủ khả năng trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Về phía người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, hơn ai hết, họ là đối tượng mong muốn được tiếp cận với các gói hỗ trợ an sinh, nguồn vốn vay ưu đãi khi công việc, cuộc sống gặp khó khăn. Thấu hiểu điều này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang phối hợp với một số tổ chức tài chính, ngân hàng để bảo lãnh và tín chấp giúp người lao động vay tín dụng với lãi suất phù hợp.
Ở cấp vĩ mô, Chính phủ đang thiết kế, trình Quốc hội xem xét gói hỗ trợ cho người lao động trong giai đoạn khó khăn với nguồn chi khoảng 23.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Chia sẻ về gói hỗ trợ an sinh này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, chính sách hỗ trợ tập trung vào 3 nội dung chính là hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng, bị mất việc; hỗ trợ đào tạo nghề; cân nhắc giảm mức đóng bảo hiểm xã hội, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Riêng đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ khó khăn cho người lao động sẽ được các bên nghiên cứu kỹ lưỡng.
Rõ ràng, việc giúp người lao động tiếp cận với gói an sinh hoặc vay vốn ưu đãi để duy trì việc làm, yên tâm tham gia bảo hiểm xã hội đang là nhu cầu bức thiết. Hy vọng, các gói hỗ trợ sớm được đưa ra để người lao động vơi dần nỗi lo cơm áo, chủ động trang bị tấm lưới an sinh vững chắc cho bản thân, gia đình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.