Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sớm hiện thực hóa mục tiêu cam kết

Dạ Khánh| 12/12/2018 06:35

(HNM) - Các cụm công nghiệp góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, việc xử lý nước thải tại khu vực này thời gian qua còn nhiều bất cập.

Các kỹ sư môi trường trạm quan trắc tự động kiểm tra hệ thống xả thải tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Hữu Tiệp


Còn nhiều bất cập

Cụm sản xuất làng nghề xã Tân Triều (Thanh Trì) thành lập từ cuối năm 2009 với ngành nghề dệt, nhuộm, tái chế. Để giảm ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất, một trạm xử lý nước thải cho cả cụm làng nghề đã được đầu tư xây dựng. Hoàn công từ năm 2010, song đến nay trạm này đang trong tình cảnh “đắp chiếu” do việc đầu tư không đồng bộ và thiếu nhân lực vận hành. Các hạng mục xây dựng, thiết bị tại trạm đã xuống cấp trầm trọng, bị cỏ hoang bao vây, trong khi mương thoát nước N1 cách cụm làng nghề khoảng 100m luôn trong tình trạng đen đặc. Bà Lê Thị Huệ (xã Tân Triều) cho biết: “Ngày nào dân cư ở đây cũng bị "tra tấn" bởi mùi xú uế từ mương bốc lên, rất khó chịu...”.

Lâu nay, ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, cụm công nghiệp luôn là vấn đề bức xúc. Nhiều cụm công nghiệp có ngành sản xuất và công nghệ lạc hậu, đặc biệt là các ngành tái chế. Trong khi đó, vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là đầu tư xử lý nước thải ở những nơi này còn khá nan giải do thẩm quyền quyết định đầu tư thuộc địa phương nên nguồn lực đầu tư còn hạn chế.

Trên địa bàn thành phố hiện có 43 cụm công nghiệp đã hoạt động ổn định. Trong đó, 21 cụm đã có trạm xử lý nước thải, 4 cụm đang đầu tư xây dựng và còn 18 cụm chưa được đầu tư. Đáng chú ý, trong số 21 cụm đã có trạm xử lý nước thải (9 cụm do doanh nghiệp đầu tư xây dựng, 12 cụm thuộc “Đề án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2014-2015”), chỉ có 13 trạm hoạt động. Còn lại, nơi thì không vận hành, nơi chưa hoàn thiện đấu nối thu gom nước thải để dẫn nước về trạm xử lý. Có nơi lại chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý: Giấy phép xả thải, nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng...

Việc chưa xử lý hiệu quả nước thải tại các cụm công nghiệp nêu trên, ngoài thiếu nguồn lực, còn do một số cụm công nghiệp có quy mô nhỏ, đặc biệt với ngành nghề mộc và cơ khí phát sinh ít nước thải, nên chưa được quan tâm đầu tư. Bên cạnh đó, còn có cả sự thiếu giám sát, buông lỏng của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương với các trạm đã được đầu tư, nhưng để “đắp chiếu”.

Triển khai các giải pháp phù hợp với thực tế

Trạm xử lý nước thải tại Cụm sản xuất làng nghề xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) xây dựng từ năm 2007 nhưng đến nay chưa một lần vận hành.


Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI đã đề ra chỉ tiêu, đến năm 2020, 100% nước thải tại cụm công nghiệp đều phải được xử lý. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, từ tháng 9-2016, UBND thành phố đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp mang tính căn cơ và có tính đột phá như: Chuyển giao nhiệm vụ quản lý lĩnh vực này từ Sở Công Thương sang Sở Xây dựng; thông qua “Đề án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020”. Sau khi nhận chuyển giao, Sở Xây dựng phối hợp Sở Công Thương lên kế hoạch, tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp trên địa bàn và đã hoàn thành trong quý III-2017.

Mới đây, Sở Xây dựng đã báo cáo công tác triển khai, giải pháp cải tạo hệ thống xử lý nước thải toàn diện cho các cụm công nghiệp. Cụ thể, với cụm công nghiệp đã có trạm xử lý nước thải nhưng không hoạt động, cơ quan chức năng đã họp các chủ đầu tư nhằm tìm hướng giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý để đưa vào hoạt động. Cùng với việc “sốc” lại hoạt động của các trạm xử lý nước thải đã được xây dựng, thành phố chủ trương huy động nguồn lực xã hội, giao doanh nghiệp (Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền) đầu tư, quản lý vận hành, xây dựng mới hệ thống xử lý nước thải với các cụm công nghiệp còn lại. Trên cơ sở tính toán hợp lý quy mô, công suất, công nghệ, thành phố xây dựng cơ chế, thu phí trả cho doanh nghiệp đầu tư, bảo đảm cân đối chi phí, giảm chi ngân sách.

Hiện, 3/4 cụm đang đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải gồm: Ngọc Sơn (Chương Mỹ), Phú Thịnh (Sơn Tây), Liên Hà (Đông Anh) tiến độ thi công chậm. Với Cụm công nghiệp Yên Nghĩa (Hà Đông), Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền đang phối hợp với UBND quận Hà Đông, Ban Quản lý cụm công nghiệp Yên Nghĩa xác định vị trí đặt trạm xử lý nước thải bằng modul, dự kiến hoàn thành trong năm 2018.

Đối với các cụm công nghiệp chưa được đầu tư và không có quỹ đất để xây dựng trạm xử lý nước thải, Sở Xây dựng nghiên cứu phương án gom nước thải về trạm xử lý hiện có của cụm công nghiệp đã có trạm xử lý nước thải ở nơi gần nhất, hoặc ghép với các cụm đã được quy hoạch xây dựng trạm xử lý nước thải nhưng chưa được đầu tư. Với các cụm công nghiệp ở xa trạm xử lý nước thải sẵn có, bố trí ghép thành các nhóm, nhằm tiết kiệm quỹ đất và chi phí. Với các cụm công nghiệp còn lại, nghiên cứu đầu tư xây dựng trạm xử lý gắn với cụm đã được bố trí quỹ đất, hoặc đề xuất lắp đặt modul có công suất nhỏ gọn tại quỹ đất xen kẹt trong cụm công nghiệp nếu không có quỹ đất xây dựng trạm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, có 25/43 cụm đã, đang được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải, đạt 58,1%. Với những giải pháp quyết liệt trên, hy vọng rằng đến năm 2020, 100% nước thải tại các cụm công nghiệp đều được xử lý trước khi xả ra môi trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sớm hiện thực hóa mục tiêu cam kết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.