(HNMO) - Ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trước nguy cơ thiếu nguồn nhân lực ở bệnh viện công lập. Ngoài việc bác sĩ, y tá xin nghỉ việc, nguồn cung điều dưỡng viên cũng thiếu. Hiện, cơ quan hữu quan đang nỗ lực tìm hướng giải quyết vấn đề này.
Thiếu cả người học, người làm
Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, nếu như năm 2021, thành phố có 2.300 người có nguyện vọng nộp đơn đăng ký học điều dưỡng thì sang năm 2022, chỉ còn 781 người có nguyện vọng nộp đơn đăng ký học điều dưỡng tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (giảm 66%).
Tình trạng này cũng đang trở nên phổ biến tại các trường có đào tạo chuyên ngành điều dưỡng. Đây là thực trạng rất đáng lo ngại, đặc biệt là sau dịch Covid-19. Dự báo, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện sẽ càng trầm trọng hơn khi số nhân lực được tuyển dụng mới không đủ về số lượng lẫn chất lượng để bù đắp lại số đã nghỉ việc.
Theo Sở Y tế thành phố, do đặc thù công việc của người điều dưỡng thường khá vất vả, áp lực công việc ngày càng cao, môi trường làm việc luôn có nguy cơ lây nhiễm bệnh, trong khi thu nhập thấp, không bảo đảm cuộc sống gia đình nên dẫn đến tình trạng bỏ nghề, chuyển nghề trong một bộ phận điều dưỡng, một số ít khác được bệnh viện tư tiếp nhận với mức lương cao hơn.
Bên cạnh đó, các điều dưỡng trung cấp đang gặp khó khăn trong việc học tập để nâng chuẩn trình độ lên cao đẳng, đại học theo quy định của Bộ Y tế. Mặt khác, kinh phí đào tạo cho chương trình cử nhân, cao đẳng điều dưỡng đều khá cao, mỗi năm học phải mất từ 35 đến 40 triệu đồng, nhưng khi ra trường, công việc vất vả, lương thấp, không có chế độ ưu đãi nên càng ngày, số lượng người nộp đơn vào các trường đào tạo điều dưỡng ngày càng giảm.
Theo Thạc sĩ Bùi Thị Hồng Ngọc, Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, cần phải trả điều dưỡng về đúng vị trí công tác chuyên môn chăm sóc người bệnh; không để điều dưỡng phải làm công việc văn phòng, hành chính, tránh lãng phí nguồn nhân lực.
Còn Thạc sĩ Thái Thị Kim Nga, Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Quốc tế City đề xuất có chế độ làm việc phù hợp, tạo điều kiện để điều dưỡng có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, vì nghề điều dưỡng vất vả cả trí óc và chân tay.
Tìm giải pháp
Góp ý tìm kiếm giải pháp bù đắp nguồn nhân lực điều dưỡng viên đang thiếu, nhiều chuyên gia cho rằng cần có cơ chế thu hút sinh viên học ngành điều dưỡng; các bệnh viện đặt hàng các cơ sở giáo dục về nguồn nhân lực này.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Cẩm Lệ, Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 1 đề xuất: “Cần có cơ chế vận động con em nhân viên ngành Y tế đăng ký học điều dưỡng, như hỗ trợ một phần học phí; bệnh viện cam kết tiếp nhận các em sau tốt nghiệp…”.
Còn Thạc sĩ Võ Thuận Anh, Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Bình Dân đề xuất ngành Y tế gia hạn thời gian chuẩn hóa điều dưỡng từ trung cấp lên cao đẳng và đại học để điều dưỡng viên yên tâm công tác. Cùng tham gia ý kiến, Điều dưỡng Chuyên khoa 1 Trần Thị Hồng Huệ, Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương kiến nghị: “Đời sống điều dưỡng còn rất khó khăn. Đề nghị thành phố tiếp tục hỗ trợ để điều dưỡng viên tăng thu nhập”.
Nói về những đề xuất này, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết, sau khi Sở đề xuất, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã cho phép ngành Y tế bổ sung nhân lực chuyên môn (bác sĩ, điều dưỡng) đã nghỉ hưu có nhiều kinh nghiệm và có sức khỏe tốt cho hệ thống y tế cơ sở, đồng thời cho phép bổ sung chức danh bảo vệ, hộ lý cho các trạm y tế.
“Ngành Y tế thành phố đã kiến nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh có cơ chế, chính sách giúp tăng thu nhập cho đội ngũ điều dưỡng tại các cơ sở y tế công lập, bao gồm cả diện hợp đồng chuyên môn. Sở cũng đã kiến nghị UBND thành phố có văn bản đề xuất Bộ Y tế gia hạn thời gian cho phép tuyển dụng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp đến ngày 1-1-2026 và gia hạn thời gian chuẩn hóa trình độ cao đẳng đối với những trường hợp đã được tuyển dụng trình độ trung cấp đến ngày 31-12-2030. Đồng thời, cho phép các trường thuộc khối ngành sức khỏe tiếp tục đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp để làm những công việc không đòi hỏi chuyên môn cao”, ông Tăng Chí Thượng thông tin.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.