(HNMO) – Việc các ngành chức năng thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua liên tiếp phát hiện những sai phạm tại một số cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ trên địa bàn đã làm dấy lên dư luận: Liệu có lỗ hổng pháp lý trong quản lý các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp, dịch vụ thẩm mỹ, chuyên khoa thẩm mỹ trên địa bàn thành phố hay không?
Nhiều cơ sở lách luật
Trong tháng 3-2021, các cơ quan chức năng của thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện ít nhất 8 cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ trái phép trên địa bàn, điển hình như cơ sở cắt tóc, gội đầu tại địa chỉ số 91 Nguyễn Văn Lạc, phường 19, quận Bình Thạnh, nhưng kiêm luôn cả phẫu thuật thẩm mỹ trái phép.
Một trường hợp khác là cơ sở “Viện thẩm mỹ Chang Beauty” có địa chỉ tại phòng 202 Chung cư Ngọc Khánh, 21-23 Nguyễn Biểu, phường 1, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Từng đến đây phẫu thuật thẩm mỹ, chị Thu S chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ khi mới đây, Thanh tra Sở Y tế thành phố phát hiện cơ sở này không có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh và phẫu thuật thẩm mỹ. Tôi được bạn bè giới thiệu, lại thấy biển hiệu đầy đủ, nên không thể biết được cơ sở hoạt động hợp pháp hay không”.
Đáng chú ý, ngày 26-3 vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Đinh Viết Hưng (46 tuổi, ngụ quận 10, thành phố Hồ Chí Minh) để điều tra về tội "vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác". Ông này từng làm nữ khách hàng tử vong khi phẫu thuật nâng ngực; có dấu hiệu làm giả giấy tờ chứng thực chuyên môn và từng tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở không đủ điều kiện hoạt động.
Đại diện Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin: Nhu cầu làm đẹp của người dân ngày càng tăng cao, nhất là ở giới nữ ở độ tuổi từ 18 đến 50, thuộc mọi thành phần từ người có thu nhập cao đến người có thu nhập thấp, từ người có trình độ học vấn cao đến người lao động bình thường... Tuy nhiên, theo luật hiện hành, các cơ sở treo biển hiệu “Thẩm mỹ viện…”, “Viện thẩm mỹ…”, “Trung tâm thẩm mỹ…” không hẳn đã do ngành Y tế quản lý. Người dân rất khó tự nhận biết cơ sở dịch vụ nào không thuộc lĩnh vực y tế, nhưng “lấn sân” sang lĩnh vực y tế và thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trái phép, có thể gây nguy hại đến sức khỏe, thậm chí đến tính mạng.
Cần sớm thắt chặt quản lý
Theo quy định của pháp luật, các cơ sở nêu trên được chia thành 3 nhóm.
Nhóm 1 gồm các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức đẹp như chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng… Những cơ sở này không cần điều kiện quy định về y tế. Do đó, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp (nếu thuộc loại hình doanh nghiệp).
Nhóm 2 là các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Đây là những cơ sở thực hiện phun, xăm, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Những cơ sở này không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu là loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở kế hoạch và Đầu tư cấp (nếu là loại hình doanh nghiệp).
Tuy nhiên, người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp và phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định, gửi về Sở Y tế để được công khai trên cổng thông tin điện tử Sở Y tế trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.
Nhóm 3 là những phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Đây là những cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ ngoại khoa (phẫu thuật thẩm mỹ) hoặc thẩm mỹ nội khoa (thẩm mỹ da) có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác), hoặc xăm, phun, thêu trên da nhưng có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.
Những cơ sở này, ngoài giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu là loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở kế hoạch và Đầu tư cấp (nếu là loại hình doanh nghiệp), còn bắt buộc phải được Sở Y tế cấp Giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật.
Theo thống kê của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 19 bệnh viện thẩm mỹ, 10 bệnh viện đa khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ, 212 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ (thuộc nhóm 3). Trong khi đó, chỉ mới có 21 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (xăm, phun thêu) đã công bố trên cổng thông tin Sở Y tế (nhóm 2).
Đáng lo ngại là thành phố Hồ Chí Minh đang có khoảng 2.000 cơ sở chăm sóc da, spa, cắt tóc, gội đầu, làm móng (nhóm 1) nhưng về biển hiệu thì khó có thể phân biệt các cơ sở này với nhau vì hầu hết đều chọn biển hiệu là “Thẩm mỹ viện…”, “Viện thẩm mỹ…”.
Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị các cấp, các ngành cần sớm bổ sung các quy định pháp luật về tên các doanh nghiệp và tên các biển hiệu của các cơ sở để khi đọc tên biển hiệu của các “cơ sở làm đẹp” thì người dân sẽ dễ dàng nhận biết được đâu là cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp (nhóm 1), đâu là dịch vụ thẩm mỹ (nhóm 2), đâu là phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ (nhóm 3).
Đồng thời, những quy định này sẽ giúp cho các cơ quan quản lý có thêm cơ sở pháp lý để lấp đi những “kẽ hở”, không để các cơ sở dịch vụ không thuộc lĩnh vực y tế “lấn sân” sang lĩnh vực y tế, gây tổn hại đến sức khỏe người dân như thời gian qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.