(HNM) - Mỗi độ Tết đến, xuân về (từ ngày mùng 6 đến 9 tháng Giêng âm lịch), người dân làng Bùng, xã Phùng Xá (Thạch Thất) lại náo nức mở hội vật mừng năm mới, rèn luyện sức khỏe, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa vụ tốt tươi, đời sống sung túc...
Nói về vật làng Bùng, các cụ cao niên thường truyền tai nhau câu nói: "Bùng không vật thì lúa chiêm không tốt". Ông Phùng Khắc Nụ, xuân này sang tuổi 62, khi còn tráng niên, nhiều năm là đô vật có tiếng làng Bùng được nhiều người dân biết đến, cho hay: "So với các xã xung quanh, sới vật làng Bùng có lịch sử lâu đời nhất. Các đô vật là những người lao động bình thường, quanh năm làm lụng nhưng đến khi thi tài vẫn giữ được nhiều miếng vật truyền thống và cách thức riêng". Một điểm khác biệt nữa ở vật làng Bùng là các đô vật bước vào sới không nặng tính ăn thua, tranh giành giải thưởng mà coi trọng tinh thần thượng võ, cống hiến các thế vật đẹp mắt cho khán giả. Luật chơi không quá khắt khe, thời gian thi đấu kéo dài trong nhiều hiệp, phân định thắng thua tuyệt đối nếu đô vật cho đối phương "trắng bụng" hay toàn thân bị bốc lên khỏi mặt đất.
Các đô vật tranh tài tại sới vật làng Bùng. |
Những đô vật "vang bóng một thời" như các ông Phùng Khắc Nụ, Nguyễn Bá Ngọ, Cấn Tất Vượng, Nguyễn Khải Chính, Nguyễn Đình Đàn... vẫn còn nhớ như in ngày họ tham gia sới vật. Người thắng cuộc được nhận phần thưởng là những vật dụng sản xuất nông nghiệp do chính người dân trong làng làm ra như cái cày, cuốc, xẻng, liềm hay vó kéo cá… Điều này cho thấy, hội vật đã gắn chặt với đời sống kinh tế, xã hội của dân làng Bùng hàng trăm, hàng nghìn năm qua, trong đó điển hình nhất là nghề cơ kim khí vẫn đã, đang phát triển mạnh mẽ đến hôm nay. "Giờ phần thưởng được chuyển đổi thành tiền, ít thì vài chục nghìn đồng, nhiều đến cả chục triệu đồng. Thậm chí, có nhà tài trợ còn mua xe máy, tivi, tủ lạnh, quạt điện… để thưởng nóng cho các đô vật có miếng vật đặc sắc" - cụ Phùng Khắc Cập, năm nay đã 86 tuổi nhưng chưa năm nào bỏ lỡ hội vật đầu xuân của làng, cho biết.
Thời kỳ đầu, hội vật chủ yếu phục vụ nhân dân trong xã, về sau được mở rộng thu hút nhiều đô vật trong huyện về tranh tài, thu hút hàng nghìn người dân đến cổ vũ mỗi năm. Để khuyến khích các đô vật về thi tài, những năm gần đây, Ban tổ chức dành từ 10 đến 15 triệu đồng, để trao thưởng. Bên cạnh đó, hội vật làng Bùng còn kêu gọi toàn dân tham gia theo phương châm xã hội hóa, trong hội vật Xuân Giáp Ngọ 2014, số tiền và hiện vật ủng hộ đã lên đến hàng trăm triệu đồng. Đô vật nghiệp dư Cấn Tất Quang, trưởng thành từ lò vật làng Bùng, tự hào khoe: "Lớp trẻ chúng tôi luôn mong muốn giữ gìn, phát huy truyền thống võ vật của quê hương. Năm nay, sới vật của làng được đầu tư hàng tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp khang trang, đạt tiêu chuẩn quốc gia nên đã thu hút trên 100 đô vật trong làng và các CLB chuyên nghiệp trong toàn quốc của quân đội, công an, các tỉnh Thái Nguyên, Thái Bình, Bắc Giang và TP Hải Phòng về tranh tài".
Cũng từ lò vật xã Phùng Xá, nhiều năm qua đã cung cấp cho đội tuyển thành phố và quốc gia trên 30 VĐV, giành được gần 100 huy chương các loại, trong đó có 15 VĐV được phong cấp kiện tướng quốc gia. Tiêu biểu như đô vật Phùng Khắc Hùng (hiện là huấn luyện viên đội tuyển vật Hà Nội), Cấn Tất Vinh, Vương Văn Thanh, Nguyễn Bá Nam, Cấn Tất Quang, Ngô Đình Long… Gần đây nhất, đô vật trẻ Cấn Tất Dự đã làm rạng danh quê hương Phùng Xá với các thành tích Huy chương đồng giải vật quốc tế, Huy chương vàng SEA Games 27 năm 2013. Hay các em Nguyễn Văn Chiến, Đỗ Hiếu, Đỗ Văn Phúc học sinh THCS Phùng Xá, năm 2013 giành HCV trong Đại hội TDTT thành phố… là những "hạt giống đỏ" của sới vật làng Bùng.
Theo ông Ngô Đình Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Phùng Xá, để giữ gìn những giá trị truyền thống võ vật của quê hương, vài năm trở lại đây, phong trào rèn luyện sức khỏe bằng môn vật cổ truyền phát triển rộng khắp. Những người có niềm đam mê môn thể thao truyền thống này có xu hướng tập hợp thành nhóm, mở câu lạc bộ tập luyện thường xuyên, dưới sự hướng dẫn, chỉ dạy của các thế hệ đi trước. Phùng Xá cũng được huyện Thạch Thất và TP Hà Nội quan tâm về tuyển chọn mở lớp vật năng khiếu. Hằng năm có 2 lớp trên dưới 30 em từ 9 đến 15 tuổi tham gia tập luyện thường xuyên để tạo nguồn cho các đội tuyển của thành phố và quốc gia. Từ năm 2011, xã đã được thành phố hỗ trợ và nhân dân đóng góp hàng tỷ đồng để đầu tư nâng cấp sới vật đạt chuẩn quốc gia. Lớp lớp thanh niên đang hào hứng với môn vật truyền thống của quê hương, tích cực tham gia thi đấu và luyện tập để giành thành tích cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.