Năm 2024, tổng giá trị trái phiếu phát hành đạt 443.000 tỷ đồng, trong đó riêng ngành Ngân hàng chiếm gần 70%, tăng tới 130% so với năm 2023. Bước sang năm 2025, phát hành trái phiếu ngân hàng tiếp tục sôi động, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng của sự phát triển kinh tế nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng.
Tăng 30% giá trị
Theo thống kê, năm 2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, với giá trị phát hành mới tăng khoảng 30% so với năm 2023 và 65% so với năm 2022. Riêng ngành Ngân hàng giữ vị trí chủ lực với giá trị phát hành gần 300.000 tỷ đồng, chiếm hơn 67%, trong đó nhiều ngân hàng có giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn như: Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) với 36.100 tỷ đồng; Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) 30.900 tỷ đồng; Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) 26.900 tỷ đồng...
Các chuyên gia cho rằng, ngành Ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm bổ sung vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay. Trong năm 2024, tín dụng toàn ngành tăng hơn 15%, cao hơn so với mức 13,7% cùng kỳ năm 2023 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ.
Riêng tháng 12-2024, nhiều ngân hàng phát hành trái phiếu thành công và huy động được hàng nghìn tỷ đồng. Chẳng hạn, ACB phát hành thành công lô trái phiếu thứ 16 trong năm 2024, thu về 250 tỷ đồng, với lãi suất 6,1%/năm, kỳ hạn 5 năm, dự kiến đáo hạn vào ngày 18-12-2029.
Trong khi đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) phát hành tới 6 đợt trái phiếu, huy động 2.200 tỷ đồng; Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) phát hành thành công 3 lô trái phiếu, giá trị 6.000 tỷ đồng; Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) phát hành 3 lô trái phiếu có cùng kỳ hạn 3 năm, tổng giá trị huy động 3.700 tỷ đồng.
Chủ tịch Công ty cổ phần FiinRatings Nguyễn Quang Thuân nhận định, mặc dù tỷ lệ chậm trả trái phiếu doanh nghiệp vẫn cao và áp lực đáo hạn vẫn lớn nhưng những vấn đề cũ cơ bản đã được tái cơ cấu hoặc thẩm thấu vào chất lượng tín dụng ngân hàng qua tỷ lệ nợ xấu gộp tăng khá cao. Chất lượng tín dụng các tổ chức phát hành mới năm 2024 cơ bản tốt hơn các doanh nghiệp phát hành ở giai đoạn trước. Các tổ chức tài chính cũng nhận định, thành công trong việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp thể hiện sự minh bạch thông tin và quản trị rủi ro thông qua tham gia xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp, thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ
Tiếp đà sôi động, tháng 1-2025, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh xu hướng phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng. Theo báo cáo từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, tính đến ngày 24-1, có 4 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, với tổng giá trị đạt 5.554 tỷ đồng. Trong đó, 3 đợt phát hành thuộc về các ngân hàng, gồm: Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) phát hành 2 lô trái phiếu 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 8 năm và 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm; Ngân hàng thương mại cổ phần Bản Việt (BVBank) phát hành lô trái phiếu hơn 1.254 tỷ đồng, kỳ hạn 6 năm.
Mới đây, Hội đồng quản trị HDBank đã thông qua phương án phát hành trái phiếu ra công chúng trong quý I và quý II-2025, tổng giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7-8 năm, lãi suất thả nổi. Từ nay đến ngày 5-3-2025, MB cũng sẽ phát hành trái phiếu đợt 3, kỳ hạn 6 năm, sau khi phát hành 21 lô trái phiếu trong năm 2024, tổng giá trị 22.551 tỷ đồng.
Các chuyên gia dự báo, trong 3 năm tới, các ngân hàng sẽ cần khoảng 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 nhằm hỗ trợ các nhà băng vốn nội bộ và duy trì tỷ lệ an toàn vốn. Riêng năm 2025, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh phát hành ra công chúng trái phiếu tăng vốn, bởi thực tế, trái phiếu của ngân hàng đang được các nhà đầu tư cá nhân ưa chuộng, do là kênh đầu tư hấp dẫn về lãi suất hơn là gửi tiết kiệm.
Theo khảo sát mới đây, trái phiếu do các ngân hàng phát hành thường có kỳ hạn 7-10 năm, lãi suất dao động trong khoảng 5,8-7,5%/năm trong năm đầu tiên; với các loại trái phiếu kỳ hạn 2-5 năm, lãi suất được áp dụng 5,2-6,2%/năm, trong khi lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại đa số ngân hàng vẫn thấp hơn 6%/năm. Thậm chí, gần đây nhất, BVBank chào bán 1.300 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng, với lãi suất năm đầu tiên cố định ở mức 8,2%/năm; từ năm thứ hai sẽ thả nổi, được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2,5%/năm, kỳ hạn 6 năm.
Trái phiếu cũng được nhà đầu tư đánh giá cao và lựa chọn do yếu tố lãi suất. Chị Trịnh Ngọc Diệp ở khu Nam Đồng (Hà Nội) cho rằng, lợi thế của trái phiếu ngân hàng là độ tin cậy cao hơn so với trái phiếu doanh nghiệp khác. Chưa kể, trái phiếu ngân hàng có tính linh hoạt cao, trái chủ có thể cầm cố vay lại vốn ngân hàng hoặc bán lại cho chính ngân hàng phát hành.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, không chỉ chú ý đến lợi thế, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ với đầu tư trái phiếu, bởi trái phiếu tăng vốn cấp 2 có rủi ro cao hơn so với tiền gửi ngân hàng và trái phiếu thường có kỳ hạn dài hơn, thứ tự ưu tiên thanh toán thấp hơn trong trường hợp ngân hàng phát hành phải thanh lý tài sản.
Năm 2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, với giá trị phát hành mới tăng khoảng 30% so với năm 2023 và 65% so với năm 2022. Riêng ngành Ngân hàng giữ vị trí chủ lực với giá trị phát hành gần 300.000 tỷ đồng, chiếm hơn 67%, trong đó nhiều ngân hàng có giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn là ACB, HDBank, Techcombank...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.