(HNMO) - Sáng 6-11, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã chủ trì buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ba nghị quyết quan trọng.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Đó là hai nghị quyết được thông qua tại Hội nghị Trung ương 6 (khoá XII): Nghị quyết số 18-NQ/TƯ “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TƯ về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; và Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”.
Cùng tham gia đoàn kiểm tra có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Trưởng đoàn kiểm tra: Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu.
Thay mặt Sở NN&PTNT báo cáo Đoàn kiểm tra, Phó Giám đốc Nguyễn Xuân Đại cho biết, trước khi sắp xếp (năm 2016), các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở có 33 đầu mối gồm 8 phòng chuyên môn; 8 chi cục và 17 đơn vị sự nghiệp. Sau sắp xếp, Sở còn 22 đầu mối (5 phòng; 8 chi cục và 9 đơn vị sự nghiệp), giảm 11 đầu mối. Thời gian tới, Sở dự kiến tiếp tục sắp xếp giảm thêm 1 đơn vị sự nghiệp, còn 8 đơn vị.
Thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, Đảng ủy Sở đã vận dụng và tổ chức triển khai các nội dung phù hợp với đặc điểm tình hình cơ quan; thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở; kiểm tra, giám sát thường xuyên, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các cấp ủy Đảng Sở NN&PTNT chú trọng tăng cường sự lãnh đạo đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành.
Đến nay, ước tính giá trị gia tăng ngành Nông nghiệp năm 2018 đạt 3,33% (vượt kế hoạch đề ra 2,0–2,5%). Toàn thành phố đã có 4 huyện và 297/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2018, dự kiến số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 30 xã (kế hoạch đề ra là 26 xã). Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến tháng 9-2018 đạt khoảng 43,16 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 3,65% (năm 2016), xuống còn dưới 2,57% (năm 2017), dự kiến năm 2018 còn khoảng 2,1%.
Sau khi nghe các thành viên của đoàn và lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi, làm rõ những nội dung kiểm tra, kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, với 2/3 dân số thành phố vẫn sinh sống, làm việc ở khu vực nông thôn; 18/30 quận, huyện, thị xã ở khu vực nông thôn, chưa kể 6 quận còn sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan tham mưu cho thành phố quản lý nhà nước về “tam nông” - có vị trí rất quan trọng. Thực hiện ba nghị quyết quan trọng nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều cố gắng, thực hiện hiệu quả, giảm số lượng lớn đầu mối đơn vị trực thuộc, giữ ổn định tình hình, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các đơn vị. Thông qua thực hiện các nhiệm vụ chính trị, Sở đã góp phần quan trọng thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU, nhất là nâng cao đời sống nông dân, đổi mới khu vực nông thôn, qua đó giúp bảo đảm an ninh nông thôn.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt trong việc thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực của Chương trình 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội. |
Bên cạnh kết quả tích cực, Trưởng đoàn kiểm tra chỉ rõ những hạn chế, khó khăn, và yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung khắc phục, qua đó thực hiện hiệu quả ba nghị quyết được kiểm tra. Sở cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc. Cấp ủy chỉ đạo thường xuyên rà soát quy chế; kịp thời sửa đổi, bổ sung nội dung cần thiết, khắc phục những bất cập còn tồn tại, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa sở và các địa phương, giữa các phòng, ban gắn với phân công rõ người, rõ việc và việc xây dựng kế hoạch làm căn cứ phục vụ kiểm điểm cuối năm bảo đảm chính xác.
Sở tiếp tục thực hiện nghiêm các kế hoạch của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TƯ, Nghị quyết 19-NQ/TƯ; chủ động sớm nắm bắt chủ trương mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sắp xếp gọn nhưng không được máy móc, bảo đảm chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước. Đồng thời, Sở rà soát, sắp xếp vị trí việc làm, mạnh dạn tinh giản để làm căn cứ cải cách tiền lương, không để cán bộ đông nhưng chất lượng yếu, lương thấp, không tập trung trong công việc.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng chỉ đạo, Ban Thường vụ Đảng ủy Sở tiếp tục chăm lo công tác xây dựng Đảng; đặc biệt quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị. Sở cần quan tâm thu hút đội ngũ cán bộ chuyên môn sâu, giỏi về làm việc, gắn với thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, gia tăng giá trị tri thức, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp; đặc biệt tập trung nâng chỉ số cải cách hành chính.
Nhấn mạnh vai trò cơ quan thường trực Chương trình 02-CTr/TU của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng đoàn kiểm tra yêu cầu, Sở tập trung tham mưu một số nhiệm vụ quan trọng như: Thu hút doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là thanh niên trí thức khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở nông thôn; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thực hiện chương trình; hướng dẫn và đôn đốc các địa phương triển khai hiệu quả các đề án xây dựng nông thôn mới; ưu tiên thúc đẩy, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; đổi mới phương thức thực hiện và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chú trọng bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp... Đồng chí lưu ý, Sở chủ động tham mưu để quy hoạch nông thôn mới ở những huyện sắp đô thị hoá lên quận bảo đảm tầm nhìn xa, tránh để xảy ra tình trạng hạ tầng lạc hậu, không theo kịp sự phát triển của đô thị.
Trưởng đoàn kiểm tra ghi nhận các kiến nghị của Sở, đồng thời chỉ đạo Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ, Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội có kế hoạch cụ thể, giải quyết sớm trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.