Kyodo ngày 17-9 dẫn dữ liệu từ Bộ Y tế Nhật Bản cho biết, số người từ 100 tuổi trở lên ở Nhật Bản ước tính đạt mức kỷ lục 95.119 người vào tháng 9, đánh dấu mức tăng trong năm thứ 54 liên tiếp.
Theo Bộ Y tế Nhật Bản, tính đến ngày 15-9, tổng số người trên 100 tuổi đã tăng 2.980 người so với năm ngoái lên mức 95.119, trong đó, phụ nữ chiếm 88,3% (83.958 người) và số còn lại là nam giới (11.161 người).
Nhật Bản tự hào là một trong những quốc gia có dân số già hóa nhanh và cũng là nơi có tuổi thọ cao nhất thế giới khi vào tháng 8, cụ bà Tomiko Itakeoka, 116 tuổi, đã được công nhận trong sách Kỷ lục Guinness thế giới. Cụ bà Tomiko Itakeoka sinh ngày 23-5 -1908, sống ở tỉnh Hyogo. Còn cụ ông lớn tuổi nhất là Kiyotaka Mizuno, 110 tuổi, sống ở tỉnh Shizuoka, sinh ngày 14-3-1914.
Số người sống thọ trung bình trên 100.000 người ở Nhật Bản là 76,49. Theo Bộ Y tế Nhật Bản, tuổi thọ trung bình ở nước này tăng lên 87,14 đối với nữ và 81,09 đối với nam vào năm 2023, đây là lần đầu tiên tuổi thọ tăng sau 3 năm.
Năm 1963, số người sống trăm tuổi ở Nhật Bản là 153, khi dữ liệu được ghi nhận lần đầu tiên. Con số này vượt qua 1.000 vào năm 1981 và đạt đỉnh 10.000 vào năm 1998, một phần là do những tiến bộ y tế. Người phát ngôn của Bộ Y tế cho biết: "Chúng tôi sẽ nỗ lực cải thiện các dịch vụ phúc lợi xã hội bao gồm chăm sóc y tế và điều dưỡng để người cao tuổi có thể tiếp tục sống thoải mái trong cộng đồng của họ".
Tuy nhiên, những số liệu trên cũng cho thấy Nhật Bản đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng dân số ngày càng trầm trọng hơn do dân số già tăng dẫn đến chi phí y tế và phúc lợi tăng cao, trong khi lực lượng lao động phải chi trả lại ngày càng giảm. Theo số liệu trước đó của chính phủ, dân số cả nước là 124 triệu người, giảm 595.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Chính phủ đã cố gắng làm chậm quá trình suy giảm và già hóa dân số nhưng thành công không đáng kể, trong khi phải kéo dài tuổi nghỉ hưu - với độ tuổi nghỉ hưu là 65 trở thành quy định đối với tất cả người sử dụng lao động kể từ năm 2025.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.