Tối qua, tên tuổi của 10 người Việt bị chết vụ giẫm đạp ở thủ đô của Campuchia đã được thông báo. Trong khi đó, hôm nay Campuchia thông báo số người chết giảm xuống 347, ít giờ sau khi đưa ra con số người chết là 456.
Nhiều người vẫn đang tìm xác người thân. Ảnh: AFP |
“Tổng số nạn nhân thiệt mạng là 347 người”, một lá thư được Bộ trưởng Phúc lợi xã hội Campuchia Ith Samheng ký cho biết. Ông Ith Samheng là thành viên trong ủy ban điều tra vụ giẫm đạp.
Trong số các nạn nhân này, có 221 phụ nữ.
Số người chết được điều chỉnh lại sau cuộc họp vào đêm muộn ngày hôm qua giữa các thành viên ủy ban điều tra, Thủ tướng Hun Sen, các quan chức Phnom Penh và các tỉnh.
“Con số nạn nhân đã bị trùng lặp”, ở một số tỉnh, bộ trưởng cấp cao Om Yentieng, cũng là thành viên ủy ban điều tra, cho biết tại lễ tưởng niệm các nạn nhân ở thủ đô và ngày hôm nay.
Hôm qua, Bộ trưởng Y tế Campuchia cho biết nguyên nhân chính xảy ra tử vong là do các nạn nhân bị chết ngạt. Người phát ngôn của chính phủ Campuchia thừa nhận chính phủ đã không dự kiến được lượng người tham gia dự hội lại đông đến mức như vậy.
Trong khi đó vào 6 giờ 30 phút tối qua, trong danh sách 10 người Việt tử vong được thông báo có 5 cháu bé độ tuổi từ 6 đến 13. Ngoài ra, có 5 phụ nữ, người trẻ nhất 18 tuổi tên Nguyễn Thị Chại, người nhiều tuổi nhất là bà Nguyễn Thị Bế, 54 tuổi. Số người Việt chết thuộc tỉnh Kandal và thủ đô Phnom Penh.
Trước đó, theo ông Trịnh Việt Long phụ trách công tác báo chí ở tòa đại sứ Việt Nam, có đến 8 người Việt bị chết, 8 người bị thương và 5 người mất tích. Và đến 4 giờ chiều qua, con số người chết tăng lên đến 10 người, và có đến 10 người bị thương.
Bà Phạm Thanh Thủy thuộc Hội Người Việt ở Phnom Penh nói Hội đang đến các bệnh viện xác nhận thêm và rất có thể con số thương vong còn tăng nữa theo thời gian tìm kiếm. Riêng trong số người bị thương, có 4 người bị gãy tay hay chân.
Ông Lê Công Đầy, Ủy viên thường trực của Hội người Việt, nói may mắn vào đúng tối hôm 22/11, một đoàn cải lương từ trong nước sang Phnom Penh biểu diễn phục vụ Việt kiều, “chứ nếu không con số người Việt chết còn cao hơn nữa”.
Từ khi nhận được tin, ông và các đồng nghiệp đã đi khắp các bệnh viện trong thành phố để tìm người Việt gặp nạn.
Phía Hội Người Việt tại Phnom Penh cũng nói sẽ tạo điều kiện giúp đỡ cho những gia đình người Việt bị chết trong vụ dẫm đạp.
Công tác dọn dẹp trên cây cầu xảy ra thảm hoạ. |
Lời kể của những người sống sót
Hôm nay, 25/11, Campuchia tổ chức quốc tang các nạn nhân. Báo chí Phnom Penh nêu lên các trường hợp gây đau đớn lòng người khi kể lại một gia đình tại Phnom Penh có 6 đứa con nhỏ đều chết hết trong tai nạn. Một ông bác ngụ tại tỉnh Ta keo có 4 đứa con xin về Phnom Penh chơi hội cũng chết tất cả trong đêm 22/11.
Trong số những người Việt may mắn sống sót, Đặng Thị Thuyền, 27 tuổi, gia đình quê gốc ở tỉnh Đồng Tháp, vẫn còn tỏ ra hoảng loạn khi nhớ lại những gì đã xảy ra lúc 9 giờ tối thứ Hai vừa rồi trên chiếc cầu Kim cương nối khu vui chơi giải trí Đảo Kim cương với nội đô Phnom Penh.
Hiện đang được điều trị tại bệnh viện Calmette, một trong các bệnh viện chính của thành phố, Thuyền kể: "Em đang từ Koh Pich đi về, tới nửa cầu thì thấy quá trời đông, người ta đổ đến mà không biết tại sao”.
“Họ đè lên người em, em ngã quỵ xuống thì ở dưới cũng có người, em ngất xỉu và không biết gì nữa tới khi cảnh sát mang em ra ngoài lúc nào không rõ. Em bị thương ở chân, ở tay và cả ở mặt. Người nằm dưới em chắc bị ngộp thở nên họ cắn vào mặt em để thoát thân mà không được. Lúc đó người ta kêu cứu quá trời luôn mà không có ai cứu."
Những gì Thuyền thuật lại cũng trùng với lời kể của ông Buon Kamly, người đã mất vợ và một con trai trong thảm họa mà giới chức Campuchia mô tả là “tồi tệ nhất kể từ thời Khmer Đỏ”: "Tự nhiên ở bên trong chạy ra, bên ngoài chạy vào, thế là cứ chồng chất lên nhau mà chết. Tôi cố che cho con tôi, nhưng mà trên lưng tôi người ta cũng bị đè lăn ra chết."
Anh Trần Tân Quan, 25 tuổi, một trong những người sống sót, nói: "Khi ở giữa cầu, có người móc túi bị bắt la lên là sập cầu. Thực ra là cầu này không có chân, chỉ có dây cáp, nên đông người, nặng thì sẽ nhún. Nhưng thấy nhún, thì người ta lại nghĩ là sập cầu. Thế là hoảng loạn, ai nấy chạy thoát thân. Em lại ở chính giữa cầu nên không thể nào chạy được."
Ông Buon Kamly và một đứa con trai khác may mắn thoát chết, tuy trên người cả hai cha con vẫn còn đầy vết bầm dập. Nước mắt hai người dường như cạn kiệt trong lễ tang hai người thân yêu nhất của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.