Theo dõi Báo Hànộimới trên

Số lượng giáo sư, phó giáo sư tăng đột biến: Băn khoăn về chất lượng

Thống Nhất| 08/02/2018 06:59

(HNM) - Con số 1.226 giáo sư, phó giáo sư được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước xét duyệt năm 2017 đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Lý do không chỉ vì số lượng được xét duyệt tăng đột biến, mà còn bởi những nghi ngại về chất lượng của các ứng viên.

Số lượng ứng viên tăng 1,7 lần

Theo danh sách của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố, có tổng số 1.226 giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017, tăng gấp 1,7 lần so với năm 2016. GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước cho rằng, nguyên nhân là do năm 2017 có thời hạn nộp hồ sơ kéo dài hơn so với năm trước 6 tháng.

Ngoài ra, số lượng ứng viên nộp hồ sơ để xét công nhận các chức danh năm 2017 tăng mạnh, với tổng số 1.537 ứng viên, trong đó có 151 ứng viên GS và 1.386 PGS.

Một buổi họp của Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở Trường Đại học Lâm nghiệp.


Tuy nhiên, theo GS Trần Văn Nhung, không phải tất cả ứng viên nộp hồ sơ đều được các hội đồng xét duyệt thông qua. Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở, Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành đã thực hiện nghiêm túc việc đánh giá trình độ chuyên môn, khả năng sử dụng ngoại ngữ và xét duyệt hồ sơ nghiêm túc, khách quan. Hồ sơ của mỗi ứng viên đều phải qua 3 cấp xét duyệt với các điều kiện quy định về chất lượng và bảo đảm cân đối những yếu tố đặc thù như vùng miền, dân tộc, lĩnh vực...

GS.TSKH Trần Văn Nhung đánh giá, về cơ bản, chất lượng ứng viên GS, PGS năm 2017 có chiều hướng tăng và ngày càng tiệm cận những chuẩn mực quốc tế, thể hiện ở số lượng bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín tăng mạnh. Nếu như năm 2016, số lượng những bài báo được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế là hơn 2.500 bài, thì năm 2017, con số này là hơn 5.300 bài, tăng 2,1 lần.

Qua thống kê, số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS tại nhiều hội đồng ngành, liên ngành chỉ chiếm từ 50% đến 60% số ứng viên do hội đồng cơ sở chuyển lên. PGS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, nhà trường có 37 GS, PGS được công nhận đủ tiêu chuẩn, tăng 9 người so với năm 2016. So với số ứng viên nộp hồ sơ đăng ký xét duyệt tại hội đồng cơ sở, tỷ lệ được công nhận đạt 50%.

Ngoài ra, điểm mới trong quy trình xét duyệt hồ sơ năm nay là Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức các đoàn thanh tra đến từng hội đồng cơ sở, hội đồng ngành để kiểm tra quy trình xét duyệt của hội đồng và hồ sơ của ứng viên.

Liệu chất lượng có tăng?

Trước nhận định chất lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS tăng hơn, thể hiện ở quy trình xét duyệt chặt chẽ, năng lực ngoại ngữ của các ứng viên và số lượng bài báo được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế nhiều hơn, song dư luận vẫn không khỏi băn khoăn về chất lượng chung, nhất là trong bối cảnh số lượng ứng viên được công nhận đủ tiêu chuẩn GS, PGS tăng cao kỷ lục trong lịch sử hơn 40 năm xét duyệt các chức danh.

Minh chứng cho những băn khoăn, đó là quy định về tiêu chuẩn của GS, PGS hiện nay còn thấp hơn cả tiến sĩ. Theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS” và Thông tư số 16/2009/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục - Đào tạo về “Quy định chi tiết việc công nhận đạt tiêu chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS”, để được công nhận đủ tiêu chuẩn GS, PGS, ứng viên không cần phải có bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, mà chỉ cần có các bài báo khoa học tiếng Việt được quy đổi thành 6 điểm công trình nghiên cứu khoa học.

Trong khi đó, để được bảo vệ luận án tiến sĩ, Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục - Đào tạo về “Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ” lại yêu cầu ứng viên phải có tối thiểu 2 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó có 1 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI - Scoup hoặc đã công bố tối thiểu 2 báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện. Rõ ràng, nếu vẫn duy trì quy định này, chắc chắn số lượng ứng viên GS, PGS những năm tới tiếp tục tăng đột biến và việc nghi ngại về chất lượng cũng không thể giảm.

Điều đáng chú ý là trong số 85 ứng viên GS vừa được xét duyệt, có 56 người có bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế, chiếm 66%, còn lại là chưa có. Ngoài ra, thực tế cho thấy có sự chênh lệch về những minh chứng của việc tham gia nghiên cứu khoa học của các ứng viên. Có 11 trong tổng số 28 ngành có ứng viên GS năm 2017, nhưng không có bài báo đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế, như: Tâm lý, giáo dục học, ngôn ngữ, công nghệ thông tin...

Trong khi đó, một số ứng viên ở các ngành khác lại có số lượng bài báo khoa học rất đáng nể. Đơn cử như PGS Trần Đăng Thành (ngành Vật lý) có 110 bài; PGS Nguyễn Thị Hồng Vân (ngành Vật lý) có 153 bài; PGS Nguyễn Quảng Trường (ngành Sinh học) có 160 bài...

Việc không mặn mà với công tác nghiên cứu khoa học dường như đã trở thành căn bệnh nan y của ngành Giáo dục. Tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 vừa qua, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục - Đào tạo) cho biết, chất lượng đội ngũ giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học vẫn còn là dấu hỏi lớn, bởi nhiều cán bộ, giảng viên không tham gia nghiên cứu khoa học, chưa có bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế...

Rõ ràng, đây là một khoảng trống cần lấp đầy để nâng chất lượng đào tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Số lượng giáo sư, phó giáo sư tăng đột biến: Băn khoăn về chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.