Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sổ liên lạc điện tử trong trường học: Cần thiết đến đâu?

Thống Nhất| 11/09/2013 05:46

(HNM) - Dù đã được kiểm soát kịp thời, song sự việc tại Trường Tiểu học Hạ Đình (Thanh Xuân) bị

Tiện ích hay không tiện ích?

Khoảng hơn chục năm trước, khi khái niệm về SLLĐT chưa xuất hiện ở các nhà trường thì phụ huynh sẽ chỉ biết kết quả học tập, rèn luyện của con mình tại cuộc họp sau khi kết thúc mỗi học kỳ. Vì điều kiện thời gian, sĩ số lớp đông, giáo viên chủ nhiệm chỉ có thể đánh giá khái quát tình hình của cả lớp, phụ huynh nào muốn biết tường tận hơn thì sẽ phải hỏi riêng giáo viên. Việc dùng sổ liên lạc theo cách truyền thống nhiều khi khiến phụ huynh không cập nhật được kịp thời tình hình học tập, rèn luyện của con em. SLLĐT ra đời đã khắc phục được tình trạng trên, nhất là với những phụ huynh bận rộn. Vì đặc điểm này mà nhiều phụ huynh ở khu vực thành thị có nhu cầu dùng SLLĐT.

Việc sử dụng sổ liên lạc điện tử trong trường học cần được hướng dẫn thống nhất, cụ thể. Ảnh: Bá Hoạt


Qua tìm hiểu, số lượng trường học sử dụng SLLĐT tại từng địa bàn của Hà Nội mới thấy mỗi nơi mỗi khác. Lãnh đạo phòng GD-ĐT quận Long Biên cho biết có gần 60% số HS trong tổng số hơn 30 nghìn HS tiểu học, THCS dùng dịch vụ này. Còn tại quận Đống Đa, tỷ lệ này là khoảng 20%. Thống kê của quận Tây Hồ cho thấy có 5 trong tổng số 24 trường triển khai dịch vụ SLLĐT. Lãnh đạo các phòng GD-ĐT khẳng định, việc triển khai SLLĐT tại các trường là theo hình thức tự nguyện, vì thế không phải tất cả HS đều tham gia, mà theo nhu cầu của phụ huynh. Mức phí dịch vụ phổ biến khoảng 20-30 nghìn đồng/ HS/tháng, song cũng có nơi lên đến 50 nghìn đồng/HS/tháng.

Là cách thức liên lạc hiện đại, song chính những người sử dụng cũng cho biết có nhiều lúc cảm thấy phiền toái. Hiệu trưởng một trường học đã phải lên danh sách những đầu mục cần thông tin tới phụ huynh. Lý do bởi người phụ trách cập nhật thông tin, không phải giáo viên của trường, không hiểu về đặc thù của ngành nên cứ hễ có thông tin liên quan đến nhà trường là gửi cho phụ huynh. Chị Phạm Linh Nhi, có con học THCS tại một quận trung tâm cho biết, nhiều lúc cảm thấy rất khó chịu bởi thông tin của trường không đến vào một giờ ổn định mà bất kể sáng, trưa, chiều, tối, thậm chí đêm khuya. Có ngày chị còn nhận được vài tin nhắn có nội dung giống hệt nhau. Lại có phụ huynh phàn nàn phải "tự nguyện" đăng ký dùng SLLĐT, mức phí đóng không nhiều, song có khi cả tháng chỉ nhận được 1-2 tin nhắn mà nội dung chẳng đâu vào đâu.

Trường THPT Chu Văn An là một trong những đơn vị đầu tiên sử dụng SLLĐT trên địa bàn thành phố (năm 2006), ông Chử Xuân Dũng, Hiệu trưởng nhà trường đánh giá dù có nhiều tiện ích, song SLLĐT không thể thay thế cách thức liên lạc truyền thống giữa giáo viên - phụ huynh. Nhà trường hiện vẫn sử dụng song song hai hình thức này, SLLĐT chỉ dùng để đáp ứng cho những phụ huynh có nhu cầu.

Những điều cần suy nghĩ

Đề cập đến vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, với đa phần HS của trường là "có cá tính" thì cách thức này không có ý nghĩa. Thực tế cho thấy, không phải HS nào cũng cần phải thông báo thường xuyên. Với những HS chưa ngoan, nhà trường cần có cách thức giáo dục phù hợp, việc HS hễ mắc lỗi là thông báo về nhà chưa hẳn đã có tác dụng tích cực. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, đây là cách thức liên lạc vô cảm. Chưa kể đến chuyện, phụ huynh nhiều khi vì mải mê công việc cũng chẳng thèm đoái hoài đến những tin nhắn thông báo của trường. Việc trao đổi trực tiếp giữa giáo viên và phụ huynh là trách nhiệm của cả hai phía trong việc giáo dục HS, đồng thời cũng là cách để tạo mối liên hệ cần thiết giữa hai môi trường giáo dục: gia đình - nhà trường. Nếu nhà trường, mỗi giáo viên đều làm tốt bổn phận của mình trong việc giáo dục HS thì hình thức này trở nên vô nghĩa.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT khẳng định, việc sử dụng SLLĐT không phải là chủ trương chung của ngành. Thế nhưng, việc phải "tự nguyện" dùng SLLĐT ở một số nơi cũng khiến phụ huynh bức xúc. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, song theo bật mí của một số cán bộ trong ngành, đó là vì lợi ích của một nhóm cá nhân.

Sự việc ở Trường Tiểu học Hạ Đình (Thanh Xuân) là lời cảnh báo về tác hại của việc lơ là bảo mật hệ thống CNTT của các nhà trường. Qua tìm hiểu, việc bảo mật mạng thông tin nội bộ của các trường trên địa bàn hiện nay gần như phụ thuộc vào trình độ CNTT của hiệu trưởng và trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ. Hầu hết cán bộ quản lý các trường đang sử dụng SLLĐT khi được hỏi đều cho biết trước khi triển khai dịch vụ thường chỉ "nhận diện" qua tên công ty, giấy phép thành lập và hồ sơ năng lực… Còn dịch vụ cung cấp đã qua kiểm duyệt chưa thì lại là nội dung còn bỏ ngỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sổ liên lạc điện tử trong trường học: Cần thiết đến đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.