Theo dõi Báo Hànộimới trên

Số hóa để phát triển và chuyển đổi bền vững

V.A| 05/05/2023 13:47

(HNMO) - Đó là chủ đề của hội thảo được SQV International

và các đối tác trong hệ sinh thái phối hợp tổ chức sáng nay, 5-5, tại Hà Nội, với sự tham dự của đại diện các Ủy ban của Quốc hội, các trường đại học, khu công nghiệp, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp…

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Giám đốc điều hành SQV International tham luận tại hội thảo. Ảnh: Hoài Phương

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, số hóa đã trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện năng suất làm cho quốc gia trở nên hưng thịnh hơn, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, mà nếu mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp không có sự chuẩn bị phù hợp, hợp tác toàn diện và khả năng thích ứng, sẽ khó thu được kết quả như kì vọng.

Bàn về hợp tác công – tư trong chuyển đổi số quốc gia, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Giám đốc điều hành SQV International cho rằng, thời gian qua, hợp tác công – tư được coi là giải pháp giúp cả hai khu vực Chính phủ và doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, kĩ thuật và thậm chí là cả ngân sách để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số quốc gia. Việt Nam là nền kinh tế năng động hàng đầu Đông Nam Á, đang đứng trước thách thức phải chuyển đổi số nhanh. Nếu Chính phủ có những cơ chế, chính sách phù hợp, thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp vào quá trình chuyển đổi số thì không chỉ giúp tận dụng thế mạnh của hai khu vực công – tư, mà còn giúp thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế kĩ thuật số, tạo thêm nhiều việc làm…

Tuy nhiên, đi kèm với đó, mô hình hợp tác công – tư cũng có những thách thức, rủi ro như khó bảo đảm sự công bằng trong quan hệ đối tác; có thể nảy sinh xung đột về lợi ích. Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận phù hợp trong hợp tác công – tư để khai thác được tiềm năng công nghệ kĩ thuật số phục vụ tăng trưởng, thịnh vượng và tiến bộ xã hội, bảo đảm lợi ích chuyển đổi số được chia sẻ rộng rãi, công bằng, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

 Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Hoài Phương

Đề cập đến tính bền vững của doanh nghiệp thông qua chuyển đổi số, bà Dato’ Dr.Munirah Looi, Giám đốc điều hành Brandt, chia sẻ, hậu đại dịch Covid-19 cùng những thách thức toàn cầu đòi hỏi doanh nghiệp cũng phải thay đổi, nếu không muốn bị loại khỏi thị trường. Ngày nay, khách hàng chủ động tương tác với doanh nghiệp theo các cách rất linh hoạt, không giới hạn khoảng cách địa lý, thời gian… nên doanh nghiệp càng cần hiểu rõ khách hàng để có đối sách phù hợp. Chuyển đổi số vì vậy có thể được coi là yêu cầu sống còn đối với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Một trong những gợi mở là doanh nghiệp có thể tập trung sự chuyển đổi hướng vào khách hàng (người dùng) cuối, vào cách thức, quy trình vận hành doanh nghiệp.

Còn theo ông CK Ng, Giám đốc điều hành iForte, sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp phải cạnh tranh rất khắc nghiệt để giữ chân người lao động. Do đó, ngoài việc bảo đảm việc làm; tăng lương - thưởng, doanh nghiệp cần luôn sáng tạo, tận dụng công nghệ mới nhất để phát huy năng lực, tạo sự hài lòng cho người lao động. Việc xây dựng hệ thống năng lực số không chỉ giúp doanh nghiệp có được nguồn nhân lực tốt, mà còn tạo sự phát triển bền vững.

Ở các góc độ khác của chuyển đổi số, các đại biểu đã đề cập đến việc tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường trong các toà nhà công nghiệp bằng các hệ thống phần mềm thông minh; hợp tác dữ liệu để chuyển đổi số bền vững; truyền cảm hứng chuyển đổi bền vững thông qua các nhóm cộng đồng…

Cũng tại hội thảo, đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Công ty SQV International và Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Số hóa để phát triển và chuyển đổi bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.