(HNM) - Trong số 116 đội tuyển tham gia cuộc thi "Lập kế hoạch kinh doanh" dành cho sinh viên các trường đại học (ĐH) RMIT trên thế giới được tổ chức tại Melbourne - Australia, Đội tuyển Nguyễn Gia của Trường ĐH RMIT Việt Nam gồm 4 sinh viên ngành thương mại là Nguyễn Việt Hùng, Nguyễn Ngọc Đại Nghĩa, Thái Quốc Kim và Phạm Thị Ngọc Hiếu đã giành giải "Ý tưởng kinh doanh xuất sắc nhất" và giải "Môi trường bền vững" với dự án sản xuất túi xách thời trang thân thiện với môi trường từ giấy tái chế và vải hữu cơ.
Ý tưởng của những chiếc túi thân thiện bắt nguồn từ Nguyễn Việt Hùng (nhóm trưởng) khi tham dự một hội thảo về biến đổi khí hậu có nhận định cho rằng, người dân chưa mặn mà với túi thân thiện một phần là vì chúng… chưa đẹp. Từ ý kiến đó, Nguyễn Việt Hùng và thành viên nhóm Nguyễn Gia miệt mài suy nghĩ làm thế nào "thay da đổi thịt" cho những chiếc túi trở nên tiện dụng, bắt mắt? Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, cả nhóm quyết định lựa chọn dự án kinh doanh những chiếc túi thân thiện với môi trường, dù biết trước thực tế lợi nhuận không cao. Để viết dự án, cả đội đã nghiên cứu kỹ hiện trạng rác thải nilon, công tác thu gom và xử lý rác thải, tìm kiếm chất liệu thân thiện với môi trường, số liệu thống kê và các kỹ thuật xử lý... từ đó tính toán để xây dựng dự án có tính khả thi cao. "Trong quá trình làm dự án, chúng tôi chú trọng khảo sát thị hiếu, thẩm mỹ của người Việt Nam để cho ra đời những chiếc túi thích hợp cả về màu sắc, hình dáng và các họa tiết, hoa văn trang trí. Với chiếc túi này các bà nội trợ cũng như bạn trẻ hoàn toàn có thể sử dụng đi mua sắm nhiều lần thay vì sử dụng túi nilon" - Nguyễn Ngọc Đại Nghĩa cho biết thêm.
Ngay sau cuộc thi, nhóm Nguyễn Gia đã liên hệ với các cơ quan Chính phủ nhằm tìm kiếm sự bảo trợ về mặt pháp lý và truyền thông cho dự án. Những chiếc túi thân thiện với môi trường do nhóm Nguyễn Gia thiết kế, sản xuất dự kiến ra mắt thị trường cuối năm 2011 với mức giá khoảng 20.000 đồng/chiếc. Theo Nguyễn Việt Hùng, có thể chiếc túi sẽ không rẻ so với nhiều người làm nội trợ ở nông thôn, nên ban đầu đối tượng chúng tôi hướng đến là người dân thành thị. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh trên thị trường, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để có thể giảm giá thành mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Dù dự án mới đang khởi động nhưng theo chủ quan của Phạm Thị Ngọc Hiếu, thành viên nữ duy nhất của nhóm thì dự án rất khả thi, bởi hiện nay người tiêu dùng đã "cảnh giác" với túi nilon, đang có xu hướng lựa chọn thông minh, bảo vệ sức khỏe như túi cói, túi giấy… Vì thế, trong thời gian tới những chiếc túi thân thiện với môi trường của Nguyễn Gia sẽ dần có được vị trí xứng đáng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.