(HNM) - Nghiên cứu khoa học (NCKH) trong trường đại học là yếu tố quan trọng, góp phần gắn lý thuyết với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều giảng viên, sinh viên tham gia NCKH một cách thụ động; nhiều đề tài nghiên cứu có chất lượng chưa cao, khó áp dụng trong thực tiễn.
Điểm hạn chế của sinh viên Việt Nam
Những năm qua, hoạt động NCKH trong sinh viên đã được nhiều trường đại học chú trọng, đẩy mạnh. Tùy thuộc vào mỗi trường, hoạt động này có thể được thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau như viết tiểu luận, báo cáo thực tập, làm khóa luận tốt nghiệp hay thực hiện những NCKH ở cấp khoa, trường… Tuy nhiên, NCKH vẫn là điểm yếu của sinh viên các trường đại học ở nước ta, dù đó là tiêu chí quan trọng để Việt Nam có thể đạt mục tiêu đến năm 2020 có trường thuộc tốp 200 đại học tốt nhất thế giới.
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Bùi Tuấn |
Lý giải về tình trạng này, TS Nguyễn Ngọc Kiên, Phó Trưởng bộ môn Chế tạo máy, Viện Cơ khí Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: Tính chủ động của mỗi bạn trẻ trong học tập chưa cao, vẫn còn tư tưởng thụ động. Nhiều sinh viên chỉ học và ôn bài khi chuẩn bị bước vào các kỳ thi, chỉ xoay quanh giảng đường với những bài học trên lớp mà chưa chủ động nghiên cứu, nâng cao kiến thức thực tiễn. Ngoài ra, với hình thức học tín chỉ như hiện nay, một bộ phận sinh viên tỏ ra bị động, chưa hiểu rõ định hướng học tập và rèn luyện trong những năm học đại học. Từ đó, nhiều sinh viên chưa xây dựng được kế hoạch học tập một cách cụ thể và có tính khoa học.
Theo TS Ngô Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, một trong những vấn đề mà sinh viên hay gặp phải trong NCKH là khả năng tiếp cận nguồn tư liệu cũng như kiến thức thực tế còn hạn chế, dẫn tới sự lúng túng khi chọn đề tài. Hậu quả là có nhiều đề tài đăng ký không mới, ít có ý nghĩa khoa học và thực tiễn; một số đề tài quá lớn, vượt tầm của sinh viên; một số đề tài có địa bàn nghiên cứu xa, gây khó khăn cho quá trình triển khai nghiên cứu trong điều kiện kinh phí hỗ trợ còn hạn chế. Một số sinh viên chưa chuẩn bị tốt về kỹ năng và phương pháp NCKH, do vậy, khi triển khai thì sản phẩm đạt được thường không có giá trị cao. Sinh viên cũng chưa thông thạo việc xử lý dữ liệu, ít tuân thủ quy trình khoa học về hình thức báo cáo cũng như trích dẫn nên kết quả chung chưa cao.
Bên cạnh đó, sự hiểu biết của một bộ phận sinh viên về hoạt động NCKH trong nhà trường còn hạn chế. Thậm chí, nhiều sinh viên còn coi NCKH là điều xa vời, chỉ dành cho những sinh viên xuất sắc. Thêm vào đó, nhiều trường cũng chưa đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất cũng như chưa có cơ chế thu hút sinh viên tham gia các hoạt động NCKH.
Cần sự khích lệ
Nhằm khuyến khích khả năng NCKH trong sinh viên, nhiều trường đã đưa hoạt động này vào kế hoạch giảng dạy và học tập, đồng thời đưa ra các chính sách đãi ngộ phù hợp nhằm thu hút sinh viên đến với công tác nghiên cứu.
Giáo sư Đinh Văn Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Đối với những trường đại học kỹ thuật nghiên cứu như Đại học Bách khoa Hà Nội, nhiệm vụ NCKH của sinh viên là một mắt xích hết sức quan trọng để hướng tới đào tạo trình độ cao. Trong năm học vừa qua, nhà trường có gần 1.000 sinh viên tham gia nghiên cứu với hơn 400 đề tài. Đáng chú ý là có nhiều sinh viên những năm đầu tham gia, kết quả nghiên cứu càng về sau càng có tính ứng dụng cao do có sự gắn kết với các doanh nghiệp và có địa chỉ ứng dụng. Để có được những kết quả này, ngay từ đầu năm học, nhiều đơn vị của nhà trường đã công bố đề tài và hướng nghiên cứu cụ thể tới sinh viên. Trong nhiều trường hợp, các đơn vị sẽ tới từng lớp để tư vấn và hướng dẫn sinh viên lựa chọn đề tài phù hợp.
Về việc khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu, Tiến sĩ Nguyễn Trúc Lê, Phó Hiệu trưởng phụ trách hoạt động NCKH của Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết: Vào đầu mỗi năm học, chúng tôi đều tổ chức hội thảo phát động NCKH dành cho sinh viên, trong đó có giới thiệu cho các em về lợi ích của hoạt động này, khuyến khích các em chủ động tham gia, gợi mở cho các em những hướng nghiên cứu và cách thức thực hiện một đề tài. Căn cứ vào các đề tài mà sinh viên đăng ký, nhà trường và các khoa sẽ phân công giảng viên hướng dẫn có chuyên môn phù hợp nhằm hỗ trợ tích cực cho các em trong quá trình thực hiện.
Còn tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, theo thông lệ, vào đầu năm học, nhà trường tổ chức lớp tập huấn nghiên cứu khoa học nhằm trang bị cho sinh viên những vấn đề lý thuyết, phương pháp nghiên cứu cơ bản cũng như cách thức triển khai nghiên cứu và viết sản phẩm nghiên cứu.
Để khuyến khích sinh viên, nhất là sinh viên năm đầu tham gia NCKH, Tiến sĩ Đỗ Như An (cán bộ Trường Đại học Nha Trang) đề cập tới một số giải pháp, theo đó, cần cải thiện trình độ ngoại ngữ của sinh viên bởi đó là công cụ không thể thiếu để tiếp cận khoa học tiên tiến. Cần có các biện pháp thúc đẩy mạnh hơn nữa như khuyến khích họ đăng bài trên các tạp chí khoa học, nếu công trình của họ được đánh giá tốt thì có thể xem xét công nhận sinh viên đó đã hoàn thành luận văn tốt nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.