(HNM) - Vụ việc một sinh viên nam làm “tài xế công nghệ” bị tử vong do bị cướp trong khi chở khách vào cuối tháng 9 vừa qua tại Hà Nội khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Đi làm thêm trong quá trình học tập giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng, vốn sống và có thêm thu nhập là những mặt “được”, song hệ lụy cũng không ít. Thực tế ấy đòi hỏi việc quản lý, hỗ trợ sinh viên, nhằm giúp các em nhận thức được những nguy cơ và không xao nhãng việc học tập phải được coi trọng.
Sinh viên làm thêm - tình trạng phổ biến
Gõ từ khóa “việc làm cho sinh viên” trên trang tìm kiếm Google, chỉ trong 0,84 giây đã cho ra 368.000 kết quả; với từ khóa “sinh viên làm thêm” có tới 382.000 kết quả trong vòng 0,89 giây. Điều này cho thấy sự quan tâm của sinh viên đối với vấn đề này. Các công việc được sinh viên tìm kiếm chủ yếu mang tính thời vụ, có thể đi làm ngoài giờ học, như: Bán hàng, làm gia sư, trực điện thoại, chở hàng, xe ôm, phát tờ rơi, trông trẻ…
Qua tìm hiểu tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn Hà Nội cho thấy, việc sinh viên đi làm thêm hiện nay đã trở nên khá phổ biến. Nếu như trước kia, chủ yếu sinh viên ở tỉnh xa, có hoàn cảnh gia đình khó khăn mới đi làm thêm, thì nay việc vừa đi học vừa đi làm đã trở thành nhu cầu của đa phần sinh viên.
Sinh viên Nguyễn Thị Mai Lan (quê ở tỉnh Lào Cai), Khoa Ngôn ngữ Anh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: "Em đã trải nghiệm nhiều công việc như gia sư, phiên dịch ở nhà hàng, dịch thuật cho một vài nhà xuất bản... và thấy khá lý thú. Những công việc đó không chỉ tạo cơ hội để em hoàn thiện về vốn kiến thức, kỹ năng ngôn ngữ, mà còn giúp em có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống".
Chị Nguyễn Thu Hồng, nhà số 12, ngõ 176 phố Nguyễn Sơn, quận Long Biên chia sẻ, suốt 3 năm qua chị đều thuê gia sư là sinh viên để kèm dạy con tại nhà, thấy tốt và giá rất hợp lý (150 nghìn đồng/buổi học), lại không phải đưa, đón con. Không những vậy, việc thuê gia sư là sinh viên còn giúp con chị có thể linh hoạt giờ học.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị 3T công nghiệp (đường Lê Trọng Tấn, phường La Khê, quận Hà Đông) cho biết: Trong những dịp chạy chương trình hoặc quảng cáo sản phẩm, công ty đều thuê một số sinh viên (cả nam và nữ) có ngoại hình tốt để làm hoạt náo viên, đón khách hoặc giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Việc thuê sinh viên giúp công ty tiết kiệm chi phí bởi đây là công việc thời vụ. Nhiều sinh viên cũng thích làm công việc này bởi được làm việc trong môi trường sôi động, có cơ hội rèn kỹ năng trong giao tiếp, ứng xử, làm việc nhóm...
Theo ông Phạm Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long, xuất phát từ nhu cầu vừa học vừa làm của sinh viên và trên địa bàn nơi trường đặt trụ sở cũng có khá nhiều doanh nghiệp cần tuyển dụng ứng viên làm việc bán thời gian với những công việc đơn giản, phù hợp với ngành nghề đào tạo, nhà trường đã kết nối với các đơn vị để bố trí việc làm cho sinh viên. Sự “bảo lãnh” về công việc và nhân sự của nhà trường, giúp nhiều sinh viên yên tâm học tập, làm việc; đồng thời giúp các doanh nghiệp phát hiện, tìm kiếm được các ứng viên phù hợp để đón nhận ngay khi các em ra trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, việc sinh viên đi làm thêm cũng có những mặt trái. Theo em Lê Quang Thái, sinh viên năm thứ hai Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội, ngành nghề mà em đang theo học không dễ làm thêm, nhưng để có thêm kinh phí trang trải cuộc sống, em đã đi làm nhân viên giao hàng. Công việc không đòi hỏi nhiều yêu cầu, chỉ cần có xe máy và thời gian, song vài lần bị khách “bùng” tiền hàng, lại hay phải đi sớm, về khuya ở những địa bàn xa, nên em cũng lo lắng.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh - người từng dành nhiều thời gian tìm hiểu, tư vấn sinh viên về việc này cũng băn khoăn, sau khoảng thời gian lao động mệt mỏi, liệu các em có còn đủ sức khỏe để học tập tốt và đủ ý chí để không sa chân vào những cám dỗ, tệ nạn?
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Tuấn, số 183 phố Vũ Tông Phan, quận Thanh Xuân lo lắng, sinh viên còn quá ít tuổi để nhận thức được những nguy cơ rủi ro từ cuộc sống. Trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp sinh viên bị lừa đảo hoặc có em phạm tội ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Bởi vậy, các em rất cần được quan tâm sát sao và định hướng, hỗ trợ kịp thời.
Đồng hành với sinh viên
Nhằm giúp sinh viên nhận thức được các nguy cơ rủi ro từ quá trình tìm kiếm việc làm thêm và tự điều tiết được các mục tiêu, không sao nhãng việc học tập, các nhà trường, tổ chức, đoàn thể đã có nhiều giải pháp để đồng hành với sinh viên.
Theo Bí thư Đoàn Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội Trần Hữu Hạnh, Đoàn trường đã kết nối với một số doanh nghiệp để giới thiệu các công việc bán thời gian phù hợp với sinh viên có nhu cầu, nhưng luôn khuyến cáo về những ưu, nhược điểm của việc làm thêm để các em cân nhắc, quyết định. Riêng với sinh viên năm thứ nhất, nhà trường thường xuyên nhắc nhở các em phải đặt nhiệm vụ chính là học tập, không nên vội đi làm thêm vì có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập và sức khỏe.
Nhằm tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và sinh viên, giúp các em có thêm thu nhập và khích lệ việc hình thành ý tưởng khởi nghiệp một cách khoa học, bài bản, từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khởi động cuộc thi thường niên mang tên “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” và tổ chức “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên”. Công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức và trang bị kỹ năng cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo coi trọng, coi đây là giải pháp nền tảng để sinh viên có nhận thức đúng đắn, tự xác định được cái lợi, cái hại để lựa chọn cách ứng xử và quyết định phù hợp.
Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Bộ đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, nhà trường thực hiện tốt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020” của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, coi trọng việc đổi mới cách thức tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống theo hướng gắn kết giữa lý luận với thực tiễn; thường xuyên nắm bắt diễn biến tư tưởng, cuộc sống của sinh viên để có sự hỗ trợ, định hướng kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.