Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sinh vật ngoại lai - Lời cảnh báo chưa muộn

Tuấn Lương| 25/11/2010 06:47

(HNM) - Hiện tượng rùa tai đỏ (RTĐ) xuất hiện ngày càng nhiều ở Hồ Gươm đang khiến các nhà quản lý, nhà khoa học thực sự lo lắng. Nếu không có các giải pháp xử lý triệt để, RTĐ rất dễ lây lan sang các khu vực khác và trở thành thảm họa, giống như các loài sinh vật ngoại lai (SVNL) mà Việt Nam đã từng phải đối mặt như ốc bươu vàng, chuột hải ly, cá trê phi…

Rùa tai đỏ tại Hồ Gươm. Ảnh: Thế Hiếu


Theo PGS Hà Đình Đức, RTĐ đang là mối đe dọa với môi trường sinh thái của Hồ Gươm. Loài này có nguồn gốc từ Bắc Mỹ. Các tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế đã xếp nó đứng đầu trong 100 loài sinh vật xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. Loài rùa này ăn rất tạp, khi sống ở môi trường lạ (ngoài phạm vi sống tự nhiên) sẽ cạnh tranh nguồn thức ăn của những loài bản địa. Ngoài ra, RTĐ còn có thể mang vi khuẩn salmonella, loại gây bệnh thương hàn cho người. Từ năm 2004, PGS Hà Đình Đức đã chụp được một số bức ảnh về RTĐ ở Hồ Gươm và đến nay nó đã phát triển rất nhanh. Hiện chưa có nghiên cứu nào đánh giá tác động của RTĐ tới các loài sinh vật đang sinh sống tại Hồ Gươm.

Các loài SVNL hầu như ít được chú ý đến ở Việt Nam cho đến những năm 90 thế kỷ trước, khi dịch ốc bươu vàng bùng phát. Kết quả nghiên cứu về SVNL xâm hại ở Việt Nam, bước đầu đã xác định được một số loài nguy hiểm, như ốc bươu vàng, chuột hải ly, cá trê phi… Thống kê các loài cá và thủy sinh ngoại lai ở Việt Nam có thể lên đến 40-60 loài, tính cả cá cảnh và tảo thì có thể đến hơn 100 loài. Theo GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh (Hội Động vật học Việt Nam), các loài trên được nhập khẩu vào nước ta với mong muốn tạo ra một nguồn lợi mới. Những lợi ích kinh tế ban đầu như cá to, nặng ký, rùa có màu sắc bắt mắt làm cảnh, sinh sản nhanh... khiến người ta chưa tính đến những tác hại của chúng với nguồn gene bản địa.

Chuột hải ly được nhập vào Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XX do loài này có thể cung cấp thịt để ăn, da và lông để xuất khẩu. Tuy nhiên, sau một thời gian, các nhà khoa học đã nhận thấy đây là loài sinh vật cực kỳ gây hại. Chúng thuộc loài gặm nhấm, phát triển nhanh có nguy cơ cạnh tranh thức ăn với các loài khác, phá hủy các công trình, đê điều... Tính đến cuối năm 2002, toàn bộ số chuột hải ly đã được tịch thu và tiêu hủy. Hiện nay, loài này đã được loại bỏ khỏi Việt Nam. Với ốc bươu vàng, khâu xử lý phức tạp hơn nhiều. Các chuyên gia cho biết, ban đầu, loài SVNL này được hy vọng trở thành một nguồn thực phẩm đáng kể cung cấp cho người và động vật nuôi. Tuy nhiên, nó vốn là loài động vật ăn khỏe, phát triển nhanh nên đã nhanh chóng trở thành "thảm họa" đối với các đồng ruộng của Việt Nam, trở thành dịch hại trên nhiều loại cây trồng, đặc biệt là lúa và rau muống. Sau này, chúng ta cố gắng tiêu diệt nó nhưng hầu như bất lực, bởi chúng sinh sản quá nhanh.

Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu thu gom, tiêu hủy RTĐ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, buôn bán, nuôi thả và lưu giữ RTĐ trên địa bàn TP, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền phổ biến cho nhân dân hiểu biết về sự nguy hại của RTĐ để người dân chủ động tham gia thu gom, tiêu hủy.

Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường) đang soạn thảo đề án "Ngăn ngừa và kiểm soát SVNL xâm hại ở Việt Nam đến năm 2015". Trong đó, mục tiêu tổng thể là ngăn ngừa và kiểm soát SVNL xâm hại nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ sức khỏe, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh lương thực và an toàn xã hội. Phải có cơ chế bảo đảm 100% các loài SVNL khi nhập khẩu vào Việt Nam phải được xác định cụ thể (tên, nguồn gốc xuất xứ, đặc tính…); 100% các loài ngoại lai xâm hại tại Việt Nam được thống kê, rà soát, đánh giá mức độ gây hại; diện tích, bản đồ phân bố cụ thể của các loài ngoại lai xâm hại được lập tại Việt Nam...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sinh vật ngoại lai - Lời cảnh báo chưa muộn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.