Hiện nay, tiếng Anh đang ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, tại nhiều cửa hàng và trên bao bì một số sản phẩm, hàng hóa trong nước, tiếng Anh đang bị lạm dụng. Điều này không những gây nhiều khó khăn cho người tiêu dùng mà còn trái với quy định của Luật Quảng cáo.
Chị Sông Hương (nhà ở số 9, ngõ 4, Quang Trung, quận Hà Đông) cho biết, tối 26-2, chị đưa con vào ăn tại một cửa hàng bán đồ ăn nhanh tại tầng 4 siêu thị Mê Linh Plaza Hà Đông nhưng tại đây hoàn toàn không có một chữ tiếng Việt trên thực đơn và tất cả xung quanh, khiến chị lúng túng mãi khi gọi món. Khách hàng Việt không biết ngoại ngữ sẽ chẳng thể hiểu những dòng chữ tiếng Anh dày đặc trong cửa hàng này. Trong khi đó, không có đối tượng khách hàng người nước ngoài tại đây. Vậy bao nhiêu khách hàng sẽ hiểu những thông tin mà cửa hàng muốn truyền đạt qua những dòng chữ tiếng Anh viết tại đây?
Cũng là chuyện về tiếng nước ngoài viết, in trên bao bì, anh Hoàng ở Đại Đồng (Thạch Thất) kể lại câu chuyện cười ra nước mắt. Dịp Tết Ất Mùi vừa qua, anh Hoàng có mua mấy hộp bánh ngoài chợ về bày kèm mâm ngũ quả cho sinh động. Hết Tết, bố anh Hoàng hạ bánh xuống cho các cháu ăn. Bóc trong mỗi hộp bánh đều thấy một gói nhỏ để kèm bên trong. Khi ăn, đám trẻ không biết đó là gói gì vì bên ngoài ghi tiếng Anh "Do not eat". Mấy đứa trẻ định bóc ra ăn thì có chị hàng xóm là giáo viên dạy tiếng Anh vô tình sang chơi ngăn lại và bảo đó là gói chống ẩm nhà sản xuất để kèm vào, không ăn được. Trong câu chuyện đầu năm mới tại nhà anh Hoàng, cô giáo dạy tiếng Anh này thắc mắc rằng: Tại sao nhà sản xuất lại có thể bỏ quên một chi tiết thiết thực đối với khách hàng như vậy khi chỉ viết bằng tiếng Anh mà thiếu tiếng Việt đi kèm, trong khi hàng bán cho người Việt?
Không chỉ có các cửa hàng hay nhãn các bao bì mà nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay cũng đang thể hiện mốt đặt tên "ngoại" một cách thái quá cho các dự án, tòa nhà. Những cái tên như tòa nhà Westa, HP Landmark Tower (Hà Đông), Golden Silk (Đại Kim - Hoàng Mai)… là những ví dụ cụ thể.
Câu chuyện không Việt hóa đầy đủ thông tin và "mốt sính ngoại", không những gây khó khăn cho phần lớn người dân khu vực nông thôn và những người không biết ngoại ngữ mà còn vi phạm quy định Luật Quảng cáo năm 2012 của Việt Nam. Theo Điều 18, mục 1, Chương III của Luật Quảng cáo thì các sản phẩm quảng cáo (nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu…) phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ một số trường hợp đặc biệt đã được quy định rõ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.