(HNM) - Việc đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 cùng với cuộc xung đột ở Ukraine khiến Singapore phải đối mặt với một thách thức dai dẳng - an ninh lương thực. Chính vì vậy, quốc gia này đang đẩy nhanh chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhằm tạo ra nhiều lương thực hơn một cách hiệu quả và bền vững.
Singapore được biết đến với sự đa dạng của các món ăn đường phố và ẩm thực địa phương, nhưng ít người biết rằng quốc đảo Sư tử phải nhập khẩu phần lớn lương thực. Là quốc gia khan hiếm đất đai, ít tài nguyên thiên nhiên, Singapore hiện chỉ sản xuất dưới 10% lượng lương thực. Tính đến cuối năm 2021, khoảng 90% thực phẩm tiêu thụ ở Singapore được nhập khẩu từ hơn 170 quốc gia và khu vực.
Mặc dù đa dạng hóa nguồn nhập khẩu là cách để Singapore bảo vệ nguồn cung cấp thực phẩm của mình, nhưng việc phụ thuộc vào các nhà cung cấp bên ngoài vẫn tiềm ẩn rủi ro. Vấn đề ngày càng cấp bách khi gần đây, một số nước tuyên bố ngừng xuất khẩu lương thực.
Ở vị thế bấp bênh trước những cú sốc từ bên ngoài, Chính phủ Singapore đã nhận thức rõ những thách thức về lương thực của đất nước. Năm 2019, Singapore đã mở rộng chiến lược ban đầu của mình là tập trung vào việc đa dạng nguồn cung, bao gồm gia tăng sản xuất trong nước và có các công ty địa phương sản xuất lương thực ở nước ngoài để xuất khẩu lại trong nước. Đặc biệt, nước này đã triển khai sáng kiến “30 by 30” với mục tiêu đến năm 2030 tự cung tự cấp được 30% nhu cầu lương thực - thực phẩm.
Với điều kiện đất đai hạn hẹp, chỉ có 1% đất dành cho sản xuất nông nghiệp, Singapore khuyến khích người dân sử dụng công nghệ như IoT (hệ thống thiết bị vật lý trên khắp thế giới hiện được kết nối với internet, thu thập và chia sẻ dữ liệu), blockchain (công nghệ chuỗi - khối) và máy học để đạt được mức sản lượng cao trong sản xuất mà không đòi hỏi quá nhiều tài nguyên. Và chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã thực sự đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực của quốc gia này.
Các trang trại đô thị được phát triển rất mạnh và sản xuất nông nghiệp được triển khai ở khắp nơi, tận dụng khoảng không trên các mái nhà, sân thượng và dưới các gầm cầu... Mới đây, trang trại thẳng đứng GroGrace do Urban Farming Partners Singapore (UFPSG) khởi xướng, là sự hợp tác giữa Singapore và Hà Lan nhằm cung cấp các giải pháp toàn diện cho ngành nông nghiệp trong nhà. Grace Lim, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của UFPSG cho biết, trang trại sẽ chính thức hoạt động vào tháng 10 tới.
Ông Wouter Vos, người đồng sáng lập và lãnh đạo dự án của UFPSG chia sẻ, trang trại được thiết kế để tiết kiệm năng lượng hơn, chẳng hạn như thông qua việc thu hoạch nước mưa để phát triển cây trồng. Cơ sở rộng 650m² gồm 4 tầng trồng trọt rộng 180m², 3 tầng trên sẽ được sử dụng để trồng các loại rau xanh và thảo mộc, trong khi tầng dưới cùng sẽ được sử dụng cho nghiên cứu để phát triển các loại sản phẩm khác. Cơ sở hiện tại dự kiến sẽ sản xuất 33 tấn sản phẩm mỗi năm. Khi được nâng cấp, GroGrace sẽ có diện tích khoảng 6.000m2 và có thể mang lại công suất gấp 9 lần hiện tại.
Mục tiêu cuối cùng của UFPSG là trở thành nhà cung cấp giải pháp tổng thể, chìa khóa trao tay cho các trang trại đô thị trong nhà, là giải pháp thay thế bền vững hơn cho ngành Nông nghiệp truyền thống. Tầm nhìn của UFPSG là xây dựng khả năng phục hồi lương thực của các thành phố bằng cách tạo ra các loại rau chất lượng cao từ các công nghệ trồng trọt bền vững.
Việc tăng sản lượng lương thực theo chiến lược mới “30 by 30” sẽ giúp Singapore tạo ra một bước đệm nhằm làm giảm tác động của sự gián đoạn từ bên ngoài. Dù là mục tiêu đầy tham vọng, nhưng Singapore đã có bước đi chắc chắn, chủ trương tận dụng tối đa nền tảng khoa học - công nghệ để phát triển các giải pháp sáng tạo, nhằm giải quyết những hạn chế về không gian và nguồn lực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.