Tại Big C Thăng Long, trong ngày 23/1, siêu thị sẽ mở cửa từ 0h đến 22h30 để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Năm nay lịch nghỉ nghỉ Tết khá dài tới 8 ngày, nên các phương án về nhân sự, nguồn cung ứng hàng hóa được các siêu thị chuẩn bị khá kỹ. Đại diện truyền thông của Siêu thị Intimex cho biết, hằng năm, trong những ngày giáp Tết (từ 23 tháng Chạp), lượng khách tới siêu thị sẽ đông gấp 5, thậm chí gấp 10 ngày bình thường. Do vậy, Intimex sẽ tăng lượng hàng phục vụ thời điểm trước Tết lên 30% so với bình thường. Đồng thời, siêu thị cũng bố trí thêm quầy thu ngân, bộ phận bảo vệ... để giảm thiểu hiện tượng quá tải trong những ngày giáp Tết.
Vị đại diện này cho biết, do nhân viên làm việc tại siêu thị chủ yếu là người ngoại tỉnh, Intimex sẽ đóng cửa vào 2h chiều ngày 30 tháng Chạp và đến mùng 4 tháng Giêng sẽ mở cửa trở lại. "Vào những ngày Tết, sau 30 tháng Chạp hầu như rất ít khách đến siêu thị mua sắm. Do vậy, nếu có mở cửa bán hàng cũng không hiệu quả", vị đại diện này cho biết thêm.
Theo thông báo của BigC, từ nay đến hết ngày 30 Tết, hệ thống siêu thị này sẽ tăng thêm 30% số lượng quầy thanh toán, 20-30% số nhân viên thu ngân và giao nhận hàng trong một ca làm việc so với ngày thường. Tất cả các quầy đều được trang bị thiết bị thanh toán bằng thẻ ATM, Visa, Master… Đặc biệt, Big C sẽ giao hàng đến tận trưa 30 Tết.
Trong giai đoạn cao điểm từ 21 đến 29 tháng Chạp Tết, tất cả các siêu thị BigC đều nới rộng khung giờ mở cửa thêm 1-2 giờ so với trước. Riêng tại Big C Thăng Long, trong ngày 23/1, siêu thị sẽ mở cửa từ 0h đến 22h30 để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Tại thời điểm từ 0h00 đến 6h sáng, sẽ có hơn 200 mặt hàng được bán với giá giảm 50%... Vào ngày 30 Tết, tất cả các siêu thị Big C trên toàn quốc đều mở cửa phục vụ khách hàng từ 7h đến 12h. Big C chỉ nghỉ Tết vào mùng Một và mùng Hai. Sáng mùng Ba Tết, siêu thị hoạt động trở lại bình thường.
Các thùng hàng được xếp đầy ra phía hành lang, dọc lối đi của khách tại siêu thị Hapro.
Tại siêu thị Fivimart, không khí chuẩn bị cho Tết Nguyên đán cũng được hâm nóng. Hàng nghìn tấn hàng hóa các loại được bổ sung về các điểm bán của hệ thống siêu thị, những thùng hàng to xếp dọc khắp hành lang, lối đi vào. Các mặt hàng chủ lực dự kiến sẽ tiêu thụ nhiều trong những ngày giáp Tết là thực phẩm tươi sống, đồ uống, hạt dẻ cười, hạt dưa, hạt bí, măng khô, miến mộc nhĩ... Ngoài ra, các giỏ quà Tết cũng được bày bán khắp các kệ hàng. Giá mỗi giỏ quà này phổ biến từ 350.000-600.000 đồng hoặc cao hơn lên cả triệu đồng.
Theo nhân viên bán hàng ở đây, so với năm ngoái, giá các mặt hàng trong siêu thị có nhích nhẹ nhưng không có sản phẩm nào tăng giá đột biến. Thậm chí, để kích thích nhu cầu mua sắm của người dân, siêu thị này vẫn tiếp tục thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá, với mức giảm phổ biến 10-30%, tùy sản phẩm.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính - Nguyễn Tiến Thỏa, năm nay, công tác chỉ đạo điều hành giá cả và chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết được triển khai khá sớm tại hầu hết các địa phương. Tại Hà Nội và TP HCM, các hệ thống bán lẻ và doanh nghiệp nằm trong chương trình bình ổn giá được hỗ trợ vay vốn lên 880 tỷ đồng.
Ông Thỏa cho biết ngay từ tháng 12/2010, đoàn kiểm tra của các Sở Tài chính địa phương đã tiến hành rà soát và kiểm tra việc niêm yết giá bán hàng hóa tại hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm và doanh nghiệp. "Chúng tôi kiên quyết xử lý các trường hợp không niêm yết giá, tăng giá bán bất hợp lý", ông Thỏa cho biết.
Tại TP HCM dự kiến có 2.100 điểm bán hàng bình ổn giá tập trung chủ yếu tại các siêu thị, trung tâm mua sắm khu vực nội thành. Năm nay, ngoài hơn 20 siêu thị Co.opMart trên địa bàn, TP HCM triển khai chương trình bình ổn giá tại chuỗi các cửa hàng bán lẻ khác như C.opfood, Focoosa, Vissan, Vinatexmart. Trong đó, riêng các lượng hàng nhu yếu phẩm phục vụ mùa tết đã được chuẩn bị khoảng 150.000 tấn, tăng 30-40% so với năm ngoái.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.