Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siêu hố đen lớn gấp 20 tỷ lần Mặt Trời "ăn" sao liên tục

Theo VnExpress| 16/05/2018 10:44

Các nhà thiên văn học phát hiện siêu hố đen lớn nhanh nhất trong vũ trụ, cách hai ngày lại nuốt chửng ngôi sao có khối lượng bằng Mặt Trời.


Mô phỏng hố đen phát sáng khi ăn sao. Ảnh minh họa: NASA.


Hố đen quái vật phàm ăn được phát hiện khi nhóm nghiên cứu quan sát khu vực vũ trụ ở cách 12 tỷ năm ánh sáng. Họ có thể trông thấy siêu hố đen này vì nó sáng khác thường. Nếu siêu hố đen nằm trong dải Ngân hà, nhìn từ Trái Đất nó sẽ sáng hơn 10 lần trăng tròn, làm lu mờ tất cả những vì sao trên bầu trời đêm, theo Science Alert. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí arXiv.org.

Các nhà khoa học ước tính siêu hố đen mới tìm thấy tên QSO SMSS J215728.21-360215.1 có kích thước gấp 20 tỷ lần Mặt Trời và không ngừng lớn với tốc độ 1% sau triệu năm.

"Hố đen lớn nhanh đến mức nó sáng hơn hàng nghìn lần so với cả một thiên hà, do tất cả khí gas mà nó hút hằng ngày tạo ra nhiều ma sát và hơi nóng", nhà khoa học Christian Wolf ở Đại học Quốc gia Australia (ANU), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

Siêu hố đen có thể xóa sổ mọi sự sống trên Trái Đất do tia X phát ra khi nó hút vật chất. Do quá nhiều vật chất bị hút vào, nó được xếp hạng là chuẩn tinh, một trong những thiên thể hiếm gặp nhất và sáng nhất nằm ở trung tâm các thiên hà. Chuẩn tinh được xác định nhờ dữ liệu từ vệ tinh Gaia của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), kính viễn vọng Wide-field Infrared Survey Explorer (WISE) của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và kính viễn vọng SkyMapper của ANU.

Tính đến nay, rất ít chuẩn tinh và siêu hố đen lớn như vậy được tìm thấy. Thách thức đối với các nhà nghiên cứu là tìm ra việc làm thế nào những vật thể này có thể phát triển nhanh tới mức khó tin ở thuở sơ khai của vũ trụ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Siêu hố đen lớn gấp 20 tỷ lần Mặt Trời "ăn" sao liên tục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.