(HNM)- Phiên tòa được dư luận Trung Quốc đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây đã kết thúc với bản án 15 năm tù giam cho cựu Giám đốc Sở Công an, Phó Thị trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân.
Được đánh giá là một "siêu cảnh sát", nhưng cái tên Vương Lập Quân chỉ thực sự nổi lên khi họ Vương là người nhóm lên ngọn lửa để thiêu rụi "đế chế" quyền lực của cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Cuộc phiêu lưu định mệnh của ông Vương tới tòa lãnh sự Mỹ ở Thành Đô ngày 6-2-2012 đã chính thức mở ra hàng loạt sự kiện tạo nên vụ án chính trị lớn nhất tại Trung Quốc suốt hơn 30 năm qua.
Sinh năm 1959 trong một gia đình có cha là người gốc Mông Cổ và mẹ là người Hán, Vương Lập Quân còn có tên là Unen Baatar. Vương đã sống những năm tháng tuổi trẻ ở nông thôn trong suốt thời kỳ diễn ra cuộc Cách mạng Văn hóa trước khi làm công việc của một thư ký trong quân đội. Năm 1984, Vương Lập Quân chính thức trở thành một cảnh sát tại Liêu Ninh rồi từng bước leo lên chức giám đốc công an của một thành phố lớn; đồng thời cùng lúc lấy được cả bằng Thạc sỹ quản trị kinh doanh theo hình thức đào tạo từ xa.
Năm 2008, Vương được bổ nhiệm chức Phó Giám đốc Sở Công an Trùng Khánh và nổi đình đám khi chịu trách nhiệm thực hiện cuộc tấn công quy mô nhằm vào thế giới tội phạm trong thành phố. Các vụ điều tra của Vương Lập Quân đã dẫn đến vụ bắt giữ người tiền nhiệm Wen Qiang - người sau đó bị kết án vào tháng 7-2010. Cuộc trấn áp tội phạm có tổ chức kéo dài hàng năm trời khiến tên tuổi của Vương Lập Quân nổi lên như cồn với biệt danh "Người hùng phá băng đảng". Phó Giám đốc công an họ Vương lúc đó được các phương tiện truyền thông ca ngợi hết lời. Và như một "phần thưởng" tất yếu, Vương Lập Quân nhậm chức Giám đốc Sở Công an vào tháng 3-2009 và bổ nhiệm là Phó Thị trưởng Trùng Khánh tháng 5-2011. Khác với hình ảnh bàn tay sắt đối với giới giang hồ, báo chí địa phương mô tả ông Vương như một người thân thiện và rất dễ gần. Đặc biệt say mê phá án, hiểu tâm lý tội phạm và rất dũng cảm, Vương Lập Quân được phong tặng nhiều danh hiệu, trở thành nguyên mẫu để các nhà làm phim truyền hình làm bộ phim hình sự hành động dài tập ăn khách: Cảnh sát máu lạnh.
Thế nhưng, cú tuột ngã của người hùng cũng vô cùng nhanh chóng. Ngày 2-2-2012, chính quyền Trùng Khánh bất ngờ thông báo Vương Lập Quân không còn là Giám đốc Sở Công an mà sẽ chỉ phụ trách các vấn đề về giáo dục, môi trường và văn hóa. Đây là xác nhận đầu tiên về sự rạn nứt trong quan hệ giữa Vương Lập Quân và Bí thư Thành ủy Bạc Hy Lai. Dư luận còn chưa hết bất ngờ thì chỉ 4 ngày sau, ông Vương đã gây sốc khi chạy vào lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô để "tị nạn". Theo các nguồn tin sau đó, Vương Lập Quân đến cơ quan ngoại giao Mỹ để tìm kiếm sự giúp đỡ sau khi bị Bạc Hy Lai cảnh cáo do liên quan đến chuyện phu nhân của ông Bạc - bà Cốc Khai Lai - người chủ mưu vụ đầu độc doanh nhân người Anh Neil Heywood. Để chuẩn bị cho cuộc đào tẩu, vị Giám đốc Sở Công an đã cẩn thận chia nhỏ các bằng chứng thu thập được từ vụ án và giữ riêng để phòng thân. Trong các bằng chứng đó có một mẫu mô tim của doanh nhân Heywood và một đoạn ghi âm bà Cốc nhận đã sát hại người từng giúp gia đình họ Bạc rửa sạch nhiều triệu bảng Anh. Bằng hành động này, Vương Lập Quân đã giúp Cốc Khai Lai ém nhẹm chuyện giết người diệt khẩu và chỉ đến khi không còn được Bạc Hy Lai tin dùng mọi chuyện mới được phơi bày. Nguyên Giám đốc Sở Công an Trùng Khánh cũng bị cáo buộc đã lạm dụng quyền lực khi thiết lập mạng lưới nghe lén rộng lớn tới cả các lãnh đạo cao cấp với sự đồng ý của Bạc Hy Lai. Chưa kể, không ít người đã trở thành nạn nhân của các hành động thanh trừng đội lốt chiến dịch trấn áp tội phạm của Vương Lập Quân.
Vương cho biết sẽ không kháng án và sau phiên xét xử này, chỉ còn Bạc Hy Lai là chưa rõ số phận sẽ ra sao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.