Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết luôn cơ hội được chữa trị của người nghèo?

Thu Trang| 15/01/2014 05:59

(HNM) - Chiều 14-1, Bộ Y tế tổ chức họp Ban soạn thảo Thông tư quy định danh mục kỹ thuật cao, chi phí lớn được bảo hiểm y tế thanh toán.



Trước đó, một cuộc họp về dự thảo Thông tư ban hành danh mục thuốc BHYT thanh toán cũng đã diễn ra. Chính nỗi lo "vỡ quỹ" đã khiến BHYT đang tìm cách siết chặt những thuốc có chi phí lớn, hay có khả năng lạm dụng sẽ bị hạ mức thanh toán nhằm tăng cường kiểm soát. Điều này dấy lên mối lo ngại đối với bệnh nhân nghèo mắc bệnh nặng.

Hạ mức thanh toán thuốc điều trị ung thư

Khi các dịch vụ y tế, nhất là các dịch vụ kỹ thuật cao trong hỗ trợ chẩn đoán bệnh, như: Chiếu, chụp, xét nghiệm… được ứng dụng ngày càng nhiều thì tình trạng lạm dụng quỹ BHYT có chiều hướng gia tăng. Thậm chí, có những nơi cố tình lạm dụng để "rút ruột" quỹ BHYT. Ðiều đó đòi hỏi các cơ quan liên quan có những giải pháp ngăn chặn triệt để tình trạng này.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng nhận định, tình trạng lạm dụng quỹ BHYT của các cơ sở khám, chữa bệnh vẫn chưa được khắc phục triệt để. Đặc biệt là việc chỉ định quá mức các dịch vụ y tế không cần thiết, gây tốn kém cho người dân và quỹ BHYT. Thậm chí, có những thuốc điều trị ung thư mà quỹ BHYT phải thanh toán hàng trăm triệu đồng/đợt điều trị nhưng hiệu quả không cao, bệnh nhân chỉ kéo dài sự sống thêm 1-2 tháng. Nếu việc điều trị tiếp tục kéo dài, chi một khoản tiền khổng lồ mà không mang lại hiệu quả sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quỹ BHYT.

Chính lý do trên khiến Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo thông tư mới về danh mục thuốc BHYT và danh mục kỹ thuật cao. Theo đó, nhiều loại thuốc điều trị ung thư, xương khớp sẽ bị loại khỏi danh mục được quỹ BHYT chi trả. Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) cho biết, trước đây trong thông tư cũ hầu hết các thuốc trong danh mục được thanh toán 100%. Tuy nhiên, hiện nay phương thức thanh toán đang được tính toán lại. Cụ thể, dự kiến sẽ loại bỏ 106 hoạt chất và 139 thuốc. Như vậy, danh mục thuốc được BHYT thanh toán còn khoảng hơn 830 hoạt chất và 1.000 loại thuốc. Trong đó có khoảng 19 loại thuốc bị hạ mức thanh toán xuống 50%, chủ yếu tập trung nhóm ung thư, nhóm điều trị khớp. "Nhiều ý kiến lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị của bệnh nhân, nhất là người nghèo mắc bệnh ung thư, song thực tế không phải như vậy. Với những thuốc thông thường, thuốc cơ bản, quỹ BHYT vẫn bảo đảm thanh toán 100%", bà Tống Thị Song Hương khẳng định.

BHYT làm thế nào để "phủ sóng" toàn dân?

Theo số liệu của Bộ Y tế, tỷ lệ tham gia BHYT đã tăng từ 58% năm 2009 lên 66,8% năm 2012 và khoảng 69% vào năm 2013. Tuy nhiên, trong khi số người tham gia BHYT bắt buộc (gồm: Người lao động làm công ăn lương, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, dân tộc thiểu số, người cận nghèo, học sinh, sinh viên…) chiếm hơn 90%, thì số người tham gia BHYT tự nguyện chỉ chiếm chưa đầy 10% (vào khoảng 5.600 người).

Nhiều ý kiến cho rằng, BHYT là chính sách nhân văn theo nguyên tắc người khỏe giúp đỡ người yếu, nhiều người khỏe mạnh giúp đỡ người không may bị bệnh tật. Vì vậy, để hướng tới mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân nên quy định việc tham gia BHYT cũng bắt buộc giống như việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Đồng tình với góp ý trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, theo kinh nghiệm các nước thực hiện BHYT toàn dân trên thế giới, nếu không luật hóa việc bắt buộc tham gia BHYT thì rất khó thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2020, thậm chí rất khó để thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế (theo cơ chế thị trường) như mục tiêu đã đặt ra. Như vậy, chất lượng khám, chữa bệnh cũng khó có thể đáp ứng yêu cầu. "Nếu không thực hiện BHYT toàn dân trên cơ sở bắt buộc tất cả mọi người đều tham gia BHYT thì không có cách gì bắt buộc nông dân, ngư dân, người làm nghề tự do tham gia, cũng như không có cách gì bắt buộc những người khỏe mạnh không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia mua BHYT", Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Nhìn vào thực tế hiện nay, việc mua BHYT vẫn mang nặng tính đối phó. Căn nguyên cũng bởi chất lượng khám, chữa bệnh nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu, thủ tục còn phiền hà, phân biệt đối xử khi khám bệnh bằng BHYT, tình trạng quá tải ở cơ sở y tế tuyến trên còn phổ biến… Bên cạnh đó, đối tượng cần sử dụng đến BHYT nhiều nhất lại chính là những người bệnh nghèo mắc bệnh nặng, bệnh nan y với thời gian điều trị kéo dài. Nếu tới đây, BHYT lại siết chặt danh mục một số loại thuốc, danh mục kỹ thuật cao chi phí lớn thì người nghèo khi mắc bệnh nặng sẽ mất cơ hội điều trị. Đó chính là những nguyên nhân quan trọng khiến người dân chưa mặn mà với BHYT.

Cũng vì lẽ đó mà ngay cả những người trong ngành y cũng bày tỏ quan điểm, nếu BHYT muốn hướng tới "phủ sóng" được toàn dân thì phải có cơ chế hỗ trợ, giúp đỡ đối với đối tượng người có công, quân nhân, hộ cận nghèo, hộ nghèo… Những quy định mới không chỉ bảo đảm tính khả thi, xác định tính kinh tế, tính chuyên nghiệp, tính xã hội mà cần phải có sự cân bằng giữa các bên, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT, tiếp cận dịch vụ, thanh toán, công khai minh bạch trong vấn đề chi trả, sử dụng quỹ BHYT.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện tại, cả nước có từ 240 - 250 nghìn người mắc bệnh ung thư phổi, dạ dày, đại tràng, ung thư gan, ung thư vú, cổ tử cung… Mỗi năm, số bệnh nhân mới mắc ung thư là 150 nghìn người, trong đó có 75 nghìn người tử vong. Đa số bệnh nhân ung thư sau điều trị, kinh tế đều khánh kiệt. Theo dự thảo Thông tư ban hành danh mục thuốc BHYT thanh toán, một số loại thuốc như Erlotinib (điều trị ung thư phổi) có chi phí hơn 40 triệu đồng/tháng; thuốc Gefitinib uống điều trị ung thư phổi cũng chi phí hơn 36 triệu đồng/tháng; thuốc Sorafenib điều trị ung thư tế bào chi phí tới 118 triệu đồng/tháng… có khả năng đều được loại bỏ khỏi danh mục BHYT.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết luôn cơ hội được chữa trị của người nghèo?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.