Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chỉ tiêu tuyển sinh đại học: Cân đối lại ngành nghề

Khánh Vũ| 29/12/2015 07:14

(HNM) - Mới đây, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT về Quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học (ĐH). Bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-2-2016, những quy định này hướng tới việc cân đối lại ngành nghề đào tạo, hạn chế tăng quy mô quá mức của một số ngành.

Tư vấn tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 tại Học viện Bưu chính viễn thông. Ảnh: Bá Hoạt


Siết chỉ tiêu theo khối ngành

Trước khi ra đời Thông tư 32, Thông tư 57/2011/TT-BGDĐT được áp dụng để các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh với các tiêu chí về số giảng viên/sinh viên, diện tích sàn xây dựng/sinh viên. Tuy nhiên, chỉ tiêu được xác định chung cho toàn trường chứ không phân chia theo khối ngành đào tạo, do vậy, các trường thường dồn chỉ tiêu, tăng quy mô cho những ngành dễ tuyển sinh. Sự tăng trưởng "nóng" khiến chất lượng đào tạo của các ngành này bị ảnh hưởng. Sau mỗi kỳ tuyển sinh, nhiều ý kiến cho rằng sự "phình to" một số ngành trong các trường công lập là lý do quan trọng dẫn tới tình trạng thiếu nguồn tuyển ở các trường ngoài công lập.

Nhằm khắc phục tình trạng nói trên, tại thông tư mới, các tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh đã được bổ sung cụ thể, chặt chẽ hơn. Trong đó, số sinh viên chính quy/giảng viên quy đổi theo khối ngành không vượt quá các định mức từ 10 đến 25 sinh viên/giảng viên, tùy theo khối ngành (quy định cũ tính chung 25 sinh viên/giảng viên). Tiêu chí thứ hai là diện tích sàn xây dựng không thấp hơn 2,5m2/sinh viên (quy định cũ là 2,2m2).

Đặc biệt, theo quy định mới, sẽ có tiêu chí thứ ba là quy mô sinh viên chính quy tối đa: Với khối ngành văn hóa, nghệ thuật là không quá 5 nghìn sinh viên, khối ngành sức khỏe (y dược) không quá 8 nghìn sinh viên và các khối ngành còn lại không quá 15 nghìn sinh viên (nhân văn; báo chí; khoa học giáo dục, giáo viên; kinh doanh và quản lý, pháp luật; khoa học sự sống, khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ, nông lâm thủy sản…). Đối với ĐH Quốc gia và ĐH vùng, quy mô sinh viên chính quy tối đa được xác định theo các trường thành viên. Với những trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ xem xét và quyết định đối với từng trường hợp cụ thể.

Ngoài ra, cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo cao đẳng, mỗi năm phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cao đẳng ít nhất 30% so với chỉ tiêu năm 2015, tiến tới dừng tuyển sinh cao đẳng trước năm 2020. Cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo trung cấp phải dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2017. Chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy được xác định không quá 15% chỉ tiêu chính quy đối với khối ngành sức khỏe; không quá 20% chỉ tiêu chính quy đối với các khối ngành khác. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh vừa làm vừa học; liên thông đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học; văn bằng hai đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học được xác định không quá 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh sinh viên chính quy đã xác định của cơ sở giáo dục đại học.

Chủ động giảm theo lộ trình

Theo đánh giá của các chuyên gia, Thông tư 32 có nhiều điểm tích cực, hướng tới tăng chất lượng đào tạo, cân đối ngành nghề đào tạo. Trước mắt, quy định xác định chỉ tiêu theo khối ngành sẽ hạn chế được tình trạng khai khống giảng viên để tăng lượng sinh viên cho những ngành dễ tuyển.

Tuy nhiên, mặc dù quy mô đào tạo sẽ được các trường điều chỉnh với mức độ chủ động nhất định, song một số trường sẽ gặp khó khăn khi áp dụng thông tư mới. Nhiều trường đã bày tỏ sự lo ngại trước nguy cơ thừa giảng viên ở những ngành phải giảm chỉ tiêu. Hơn nữa, khi học phí là nguồn thu chủ yếu của các trường ĐH như hiện nay, việc giảm sinh viên ở ngành "câu cơm" chắc chắn cũng là khó khăn không nhỏ của các trường…

Bên cạnh đó, các trường ĐH trọng điểm có năng lực đào tạo cao, nếu muốn vượt "trần" quy mô tối đa thì sẽ phải đề nghị Bộ trưởng xem xét như trường hợp đặc biệt. Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có 219 trường ĐH, trong đó 18 trường đang vượt mức trần quy mô 15 nghìn sinh viên ĐH chính quy. Số trường vượt trần không lớn, song, hiện chưa có thống kê cụ thể số ngành trong các trường đó có chỉ tiêu vượt mức trần tối đa theo quy định mới, ước tính là sẽ lớn hơn nhiều.

Thông tư 32 sẽ có hiệu lực vào ngày 1-2-2016, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Áng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, để chủ động điều chỉnh quy mô đào tạo, tránh các tác động đột ngột, các trường chưa buộc phải đạt chuẩn ngay mà có thời gian theo lộ trình đến năm 2020.

Theo ông Nguyễn Văn Áng, các tiêu chí mới là những vấn đề có thể lượng hóa, kiểm soát được, dễ thực hiện, dễ giám sát nhằm góp phần nâng cao chất lượng, ổn định quy mô toàn hệ thống giáo dục đại học. Trong năm 2016, các trường vượt trần quy mô đào tạo sẽ vẫn được tuyển sinh vì việc xác định chỉ tiêu dựa trên ba tiêu chí chứ không chỉ có một tiêu chí duy nhất về quy mô đào tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chỉ tiêu tuyển sinh đại học: Cân đối lại ngành nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.