(HNM) - Thời gian vừa qua, một số địa phương của Hà Nội vẫn để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật đê điều. Để bảo đảm an toàn công trình chống lũ, không gia tăng rủi ro thiên tai, thành phố Hà Nội chỉ đạo siết chặt quản lý, xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực này.
Phát sinh và tồn đọng nhiều vi phạm
Đê điều là công trình phòng, chống lũ đặc biệt quan trọng của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, quan sát trên các tuyến đê, bờ sông: Hồng, Đà, Đuống, Đáy, Cầu, Cà Lồ... đoạn thuộc địa phận các quận, huyện, thị xã: Sơn Tây, Ba Vì, Sóc Sơn, Mê Linh, Tây Hồ, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên…, không khó nhận thấy nhiều vị trí bị xâm hại. Cụ thể, trên tuyến đê hữu Hồng, hộ ông Phạm Văn Thược ở xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) đã đào bạt mái và xây tường chắn đất trên mái đê, tạo thành lối đi từ khu dân cư dưới chân đê lên mặt đê. Còn trên tuyến tả Hồng, hộ ông Nguyễn Hữu Sơn ở xã Thạch Đà (huyện Mê Linh) đã đổ chất thải lên chân đê, hành lang bảo vệ đê...
Không chỉ xâm hại mái đê, mặt đê, chân đê, nhiều địa phương còn để xảy ra tình trạng đổ phế thải, tập kết cát, sỏi, xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ đê, hành lang thoát lũ. Điều đáng nói, dù cơ quan chức năng của thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc nhưng đến thời điểm này các địa phương chưa xử lý dứt điểm vi phạm.
Điển hình, quận Tây Hồ chưa xử lý dứt điểm hành vi đổ đất thải vào lòng sông, lấp lạch sông, xây dựng công trình ở bãi sông Hồng, đoạn thuộc các phường: Phú Thượng, Nhật Tân... Huyện Đông Anh chưa xử lý triệt để hành vi đổ phế thải xây dựng xuống lòng sông Cà Lồ để tạo mặt bằng xây dựng công trình, sản xuất nông nghiệp của một số người dân thuộc các xã: Xuân Nộn, Thụy Lâm, Nguyên Khê... Huyện Sóc Sơn chưa xử lý dứt điểm hành vi đổ phế thải tạo mặt bằng ở bãi sông Công, sông Cầu để lắp dựng trạm trộn bê tông, sản xuất cấu kiện xây dựng của một số hộ dân ở xã Trung Giã...
Theo Trưởng phòng Quản lý đê điều (Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội) Vũ Duy Hợp, những hành vi nêu trên không chỉ vi phạm pháp luật đê điều mà còn đe dọa an toàn công trình chống lũ, làm gia tăng rủi ro thiên tai... Do vậy, các hạt quản lý đê đã lập biên bản, tạm đình chỉ hành vi vi phạm và chuyển hồ sơ đề nghị cấp xã, cấp huyện xử lý theo thẩm quyền.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Thống kê của Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn thành phố phát sinh 46 vụ vi phạm pháp luật đê điều. Mặc dù cơ quan thẩm quyền đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc nhưng đến thời điểm này các địa phương mới xử lý 10 vụ, tồn đọng 36 vụ...
Lý giải về thực trạng trên, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du cho rằng, nhiều năm gần đây, các dòng sông lớn của Hà Nội không xuất hiện lũ lớn, khiến một số người dân và cán bộ chính quyền cấp cơ sở chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hệ thống đê điều. Bên cạnh đó, nhu cầu về sử dụng đất đai, nhà ở, vật liệu xây dựng của người dân Hà Nội, nhất là vùng ven đê ngày càng lớn; trong khi đó, việc tổ chức di dời công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê theo quy định của Luật Đê điều chưa được thực hiện. Hơn nữa, một số địa phương chưa quản lý chặt chẽ về đất đai, trật tự xây dựng, chưa kịp thời ngăn chặn và quyết liệt xử lý, giải tỏa vi phạm...
Để thực hiện nghiêm pháp luật đê điều, bảo đảm an toàn hệ thống phòng, chống lũ, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tập trung kiểm tra, rà soát, đánh giá, tổng hợp các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn; chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về đê điều; kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định pháp luật các vi phạm tồn đọng, đặc biệt là các vụ vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn đê điều, công trình thoát lũ, gây bức xúc trong dư luận...
Thực hiện chỉ đạo trên, Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội đã yêu cầu các hạt quản lý đê thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, lập biên bản, kịp thời kiến nghị ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, khai thác cát lòng sông trái phép, hoạt động tập kết vật liệu xây dựng không phép, lắp dựng trạm trộn bê tông không phép ở khu vực bãi sông; tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác cát, tập kết vật liệu xây dựng tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo đảm an toàn đê điều, thoát lũ...
Trao đổi với phóng viên, đại diện các huyện, thị xã: Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ, Thường Tín... cho biết, đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra thường xuyên, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời từ khi vi phạm mới phát sinh; tăng cường xử phạt vi phạm hành chính, buộc các đối tượng vi phạm khôi phục hiện trạng ban đầu hoặc tổ chức cưỡng chế theo quy định...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.