Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt quản lý phương tiện vui chơi dưới nước: Để trọn vẹn niềm vui

Tuấn Lương - Vũ Quỳnh| 15/06/2019 06:01

(HNM) - Xe đạp nước, mô tô nước, thuyền chèo tay... xuất hiện ngày càng nhiều tại các khu công viên, mặt hồ và các vùng du lịch biển, thu hút đông đảo du khách. Tuy nhiên, không phải nơi nào, vùng du lịch nào cũng làm tốt công tác quản lý nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện dẫn đến những vụ việc đáng tiếc.

Bảo đảm an toàn phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước sẽ góp phần phát triển du lịch bền vững. Ảnh: Sơn Hà


Các khu vui chơi tại Hà Nội chấp hành tốt

Hà Nội đang trong những ngày nóng nực càng khiến nhiều người dân tìm đến các khu công viên, mặt nước để “giảm nhiệt”. Một trong số những hoạt động thu hút đông đảo sinh viên, học sinh và các gia đình trẻ là trò chơi xe đạp nước. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại Công viên Thủ Lệ (quận Ba Đình) trong ngày 12-6 luôn có hơn chục cặp bạn trẻ đang thong thả dạo chơi trên mặt hồ bằng xe đạp nước. Chốc chốc, tiếng loa từ lực lượng cứu hộ lại vang lên kịp thời cảnh báo an toàn tới du khách có hành vi có thể gây mất an toàn.

Phương tiện thô sơ như vậy liệu có bảo đảm an toàn? Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Trần Quang Thắng, Giám đốc Xí nghiệp kinh doanh dịch vụ (thuộc Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội) cho biết, hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng. Đơn vị đã có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa do Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cấp. Xuồng phục vụ cứu hộ được đăng ký và có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật. Người điều khiển xuồng cứu hộ có bằng thuyền trưởng và chứng chỉ bơi lội phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Toàn bộ 41 xe đạp nước tại Công viên Thủ Lệ cũng thường xuyên được kiểm tra, bảo dưỡng.

Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, các phương tiện hoạt động vui chơi giải trí dưới nước trên địa bàn thành phố chủ yếu là xe đạp nước, thuyền chèo tay hoạt động trên các mặt hồ (như hồ Trúc Bạch, hồ Thủ Lệ, hồ Công viên Thống Nhất, Khu du lịch Khoang Xanh - Suối Tiên…) với tổng số 332 phương tiện. Theo quy định, các phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước là phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn, có sức chở dưới 5 người thuộc diện không phải đăng ký, đăng kiểm. Chủ phương tiện chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện an toàn khi đưa phương tiện vào hoạt động. Hằng năm, lực lượng Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải đều phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa (trong đó có các khu du lịch, vui chơi giải trí) đặc biệt là trước mùa mưa bão. Về cơ bản, các đơn vị đều chấp hành tốt. Thực tế cũng cho thấy, đến nay chưa xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy tại các khu du lịch, vui chơi giải trí trên địa bàn thành phố do không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.

Siết chặt quản lý tại các khu du lịch lớn

Nếu như hoạt động xe đạp nước, thuyền chèo tay... tại các công viên, mặt hồ ở Hà Nội được kiểm soát khá hiệu quả thì loại hình giải trí mô tô nước tại các vùng du lịch lại đang bộc lộ không ít bất cập, nhất là dịp hè. Ngay như ở bãi biển Cửa Lò (Nghệ An), du khách tắm biển có cảm giác mất an toàn và ức chế khi mô tô nước chen vào mời chào. Đây cũng là tình trạng chung tại nhiều khu du lịch biển. Ông Nguyễn Anh Tú (ngõ 37, phố Đào Tấn, quận Ba Đình, Hà Nội) cho hay: “Đang tắm biển tôi thấy một chiếc mô tô nước dập dềnh trước mặt, rất khó chịu. Rõ ràng, cần phải tăng cường quản lý để phương tiện hoạt động đúng quy định và bảo đảm an toàn tối đa cho du khách”.

Hoạt động xe đạp nước trên hồ Thủ Lệ bảo đảm an toàn, hấp dẫn người dân. Ảnh: Tuấn Lương


Cũng cần nhắc lại, cách đây chưa lâu (ngày 2-9-2018), ông Nguyễn Ngọc Vinh (ở quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) khi đến Khu du lịch Làng Bè (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cùng một người khác tham gia trò chơi điều khiển mô tô nước chạy trên sông Tiền do không làm chủ được tốc độ đã đâm vào một chiếc tàu du lịch. Vụ tai nạn khiến ông Nguyễn Ngọc Vinh tử vong trước khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Người ngồi sau trọng thương. Qua kiểm tra, các mô tô nước tại khu du lịch này đều chưa có giấy phép, không đăng ký, đăng kiểm...

Do tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn như vậy, nên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phải ban hành Thông tư số 17/2018/TT-BVHTTDL, quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với mô tô nước nhằm kiểm soát chặt chẽ.

Rõ ràng, việc ban hành Nghị định số 48/2019/NĐ-CP là rất cần thiết, trong đó đặc biệt nhấn mạnh, hoạt động vui chơi, giải trí phải bảo đảm trật tự, an toàn, an ninh, bảo vệ môi trường và hiệu quả, góp phần phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc quy hoạch, quản lý vùng hoạt động cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác vùng hoạt động và cung cấp dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước...

Khẳng định nghị định mới sẽ giúp công tác quản lý phương tiện phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước ngày càng đi vào nền nếp, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, tới đây thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập trung vào việc chấp hành mặc áo phao cứu sinh, hướng dẫn về kỹ năng an toàn cho người điều khiển phương tiện hoạt động vui chơi giải trí dưới nước. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư khu du lịch vi phạm các điều kiện an toàn như đưa phương tiện không bảo đảm các điều kiện an toàn vào hoạt động, không bố trí đủ áo phao, thiết bị cứu sinh, thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định,…

Các địa phương có khu du lịch cũng phải phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng nâng cao vai trò quản lý phương tiện phục vụ vui chơi dưới nước để bảo đảm an toàn tuyệt đối, để niềm vui thực sự trọn vẹn khi tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí.

Nghị định số 48/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15-8-2019. Tại Điều 30 - điều khoản chuyển tiếp, nêu rõ: Vùng hoạt động, người lái phương tiện, phương tiện đã phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước trước ngày có hiệu lực thi hành của nghị định này thì tiếp tục được hoạt động đến hết ngày 31-12-2021. Từ ngày 1-1-2022, nếu muốn tiếp tục hoạt động phải thực hiện đầy đủ các quy định liên quan tại nghị định này.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý phương tiện vui chơi dưới nước: Để trọn vẹn niềm vui

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.