(HNM) - Dù cơ quan chức năng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra nhưng những sai phạm tại các phòng khám tư nhân trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa dừng lại. Thậm chí, có nơi còn sử dụng nhiều chiêu trò để “qua mặt” cơ quan chức năng. Siết chặt quản lý các phòng khám tư để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc là trách nhiệm của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương. Về phía người dân cần cẩn trọng trước những phòng khám “chui”, “mập mờ” về chất lượng chuyên môn.
Khó xử lý những vi phạm
Theo quy định, phòng khám được cấp phép trên biển hiệu phải có tên phòng khám (chuyên khoa, đa khoa, hay phẫu thuật thẩm mỹ…), tên bác sĩ phụ trách chuyên môn, giờ làm việc, số điện thoại, địa chỉ liên hệ, số giấy phép được Sở Y tế cấp. Thế nhưng, ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới trong 2 ngày 26 và 27-6 tại 6 phòng khám trên địa bàn Hà Nội thì có tới 5 phòng khám chưa tuân thủ quy định trên.
Cụ thể, các phòng khám chuyên khoa Da liễu (số 28/82 phố Yên Lãng, quận Đống Đa); phòng khám phụ khoa chuyên sâu Dr. Gia Cường (số 22 phố Nguyễn Văn Lộc, quận Hà Đông); phòng khám chuyên khoa mắt Bảo An (số 4, LK6C, phố Nguyễn Văn Lộc, quận Hà Đông); phòng khám Vân Lâm Đường (số 25 phố Đội Nhân, quận Ba Đình) đều không ghi số giấy phép hoạt động trên biển hiệu. Thậm chí, trên biển hiệu của phòng khám nha khoa Tùng Ngọc (số 175 phố Cự Lộc, quận Thanh Xuân) không ghi số giấy phép và tên bác sĩ phụ trách khiến nhiều người nghi ngờ đây có thể là phòng khám “chui”.
Dù vi phạm tại các phòng khám tư nhân trên địa bàn các quận Ba Đình, Đống Đa không khó để nhận diện nhưng khi được hỏi, Trưởng phòng Y tế quận Ba Đình Hoàng Hy Thiêm khẳng định, toàn quận có 245 phòng khám tư nhân có giấy phép hoạt động. Từ đầu năm đến nay, quận chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm (?). Còn Trưởng phòng Y tế quận Đống Đa Lê Thị Hoàng Ngân cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay, quận chưa thực hiện kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn nên chưa phát hiện cơ sở vi phạm.
Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) Nguyễn Quang Trung cho biết, còn nhiều phòng khám tư nhân hoạt động “chui”, không treo biển hiệu; chỉ hoạt động lén lút ngoài giờ hành chính, hoặc làm về đêm, đến tận nhà khách hàng để thực hiện dịch vụ… Vì thế, ngay cả cơ quan quản lý tại địa phương cũng không thể kiểm soát được. Thậm chí, có những huyện ngoại thành vì tâm lý “nể nang” họ hàng, làng xóm nên khi phát hiện có nơi hoạt động không phép, vi phạm quy định về điều kiện hành nghề nhưng chính quyền địa phương vẫn khó xử lý vi phạm.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm
Trong 6 tháng đầu năm nay, qua kiểm tra, hậu kiểm hơn 80 phòng khám tư, Phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) đã tiến hành thu hồi giấy phép 6 phòng khám chuyên khoa, trong đó có 5 phòng khám răng và 1 phòng khám da liễu. Lý do thu hồi giấy phép do các phòng khám tự ý mở rộng quy mô nhưng không báo cáo với cơ quan quản lý; nhân sự đăng ký trong giấy phép hoạt động khác với nhân sự tham gia khám, chữa bệnh trên thực tế.
Đặc biệt trong tháng 6, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định tạm đình chỉ phòng khám Phương Thanh (số 85 đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng) để điều tra làm rõ sai phạm do phòng khám thực hiện phá thai to trên 6 tuần tuổi, vượt quá phạm vi chuyên môn được Sở Y tế Hà Nội cấp phép. Ngoài ra, phòng khám còn vi phạm không niêm yết thời gian làm việc tại biển hiệu, sổ sách ghi chép bệnh nhân đến khám bệnh, chữa bệnh không đầy đủ; trang thiết bị cấp cứu không đáp ứng đúng theo yêu cầu…
Để đưa các phòng khám tư nhân hoạt động theo đúng quỹ đạo, trong tháng 6 và tháng 7-2020, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất về hoạt động của các phòng khám tư có yếu tố nước ngoài, sau đó tiếp tục triển khai công tác này tại các phòng khám sản phụ khoa trên địa bàn thành phố…
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, muốn quản lý được các phòng khám tư phải siết chặt việc cấp phép, không để họ hoạt động “chui”. Mặt khác, khi phát hiện vi phạm phải xử phạt thật nghiêm, thậm chí đóng cửa, niêm phong không cho hoạt động. Để làm được điều đó không chỉ dựa vào một mình ngành Y tế mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là của người đứng đầu chính quyền các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn.
Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) Nguyễn Quang Trung kiến nghị, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp người dân biết phòng khám nào được cấp phép, phòng khám nào vi phạm... Đặc biệt, khi có nhu cầu đến phòng khám, người dân cần phải tìm hiểu kỹ xem nơi đó được cấp phép chưa. Nếu thấy phòng khám không đáp ứng các yêu cầu trên, hoạt động không đúng phạm vi chuyên môn được cấp phép, người dân nên từ chối tiếp nhận dịch vụ để tránh “tiền mất, tật mang”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.