(HNNN) - Hiện nay, trên địa bàn thành phố vẫn xuất hiện tình trạng thả rông chó, mèo, gây nguy hiểm tới người dân. Việc siết chặt quản lý đàn vật nuôi là yêu cầu cấp thiết, nhất là khi mùa hè, mùa của bệnh dại trên loại vật nuôi này đã đến.
Mối nguy quanh ta
Hiện nay, việc quản lý vật nuôi đã được các ngành chức năng quy định rất rõ. Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31-5-2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, chủ nuôi chó, mèo (gọi chung là chủ vật nuôi) phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư. Cùng với đó, họ phải giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không gây ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. UBND cấp xã có trách nhiệm lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn; thành lập các đội bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại... Nhưng việc này vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại một số địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, tình trạng thả rông chó ra đường vẫn còn nhiều. Ở đô thị, chó cảnh được tiêm phòng, chăm sóc tốt, nhưng vẫn còn tình trạng chó dữ được thả rông ra ngoài đường mà không đeo rọ mõm, nhất là vào buổi chiều ở khu vực công viên, vườn hoa. Việc này vừa gây ô nhiễm môi trường vừa đe dọa sự an toàn của người dân ở nơi công cộng.
Theo bà Phạm Thị Minh (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên), từ nhiều năm nay gia đình bà vẫn nuôi chó để “giữ nhà” nhưng ít khi tiêm phòng và không đăng ký với chính quyền địa phương. Bà Đinh Thị Giang (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) cho biết: “Khoảng 5 năm nay, gia đình tôi nuôi 2 con chó cảnh. Để phòng chống bệnh dại, tôi cho vật nuôi tiêm phòng vắc xin theo quy định, 3 tháng cho đi cắt lông, vệ sinh một lần”.
Tuy nhiên, hiện nay, việc người dân nuôi chó trong khu dân cư vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi. Bà Bùi Thị Hương ở tổ dân phố 1 phường Văn Quán (quận Hà Đông) than phiền: “Ở khu vực tổ dân phố chúng tôi có hàng trăm hộ dân sinh sống, trong đó có hơn 10 hộ nuôi chó. Có gia đình nhốt chó trong nhà, có nhà thường thả rông ra ngoài đường. Đã có người đi xe máy qua đường bị chó nhảy lên đuổi theo, rất đáng sợ. Hơn nữa, nhiều khi chó thả ra ngoài đường phóng uế ngay trước cửa nhà hàng xóm, gây bức xúc. Mặc dù tổ trưởng tổ dân phố đến tuyên truyền, vận động không nuôi chó trong khu dân cư nhưng họ vẫn phớt lờ”.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố, tổng số hộ nuôi chó, mèo là 243.543 hộ với tổng đàn chó, mèo là 438.390 con, đứng thứ hai cả nước. Thực tế cho thấy trên địa bàn thành phố, việc khai báo, đăng ký với chính quyền cơ sở của các hộ gia đình có nuôi chó, mèo chưa được thực hiện tốt do ý thức của các hộ chăn nuôi chưa cao. Nhiều người thường thả rông chó, mèo. “Đa số chính quyền địa phương chưa quản lý tốt chó nuôi, nhất là chó mới phát sinh; việc quản lý chủ yếu là thống kê để thực hiện tiêm vắc xin phòng dại. Việc buôn bán, giết mổ chó mèo gần như tự do, chưa có sự quản lý của cấp chính quyền, chưa có quy trình giết mổ chó nên cơ quan Thú y rất khó kiểm tra, quản lý đối với các cơ sở, điểm giết mổ chó trên địa bàn” - ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm.
Nâng cao ý thức cộng đồng
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) cho biết, nhằm nâng cao ý thức cho người dân trong việc nuôi chó, hạn chế những vụ việc đáng tiếc xảy ra cho chính bản thân gia đình chủ nuôi và những người xung quanh, xã Tứ Hiệp đã tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về mức độ nguy hiểm của bệnh dại và yêu cầu người dân chấp hành nghiêm quy định về nuôi chó. Các hộ nuôi chó phải khai báo với chính quyền địa phương, tiêm phòng vắc xin dại cho chó, khi mang chó ra nơi công cộng thì phải có người dắt và có rọ mõm...
Còn theo bà Nguyễn Thị Tuyến, cán bộ Tổ dân phố 1 phường Văn Quán (quận Hà Đông), tổ dân phố sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh việc tuyên truyền cho các chủ hộ nhận thức được tầm quan trọng của việc khai báo với chính quyền địa phương khi nhập đàn nuôi mới, yêu cầu phải tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo. Cùng với đó, các hộ dân không được thả rông chó, mèo ra ngoài đường để bảo đảm vệ sinh môi trường trong khu dân cư.
Ngày 4-4-2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch 105/KH-UBND về thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2022 - 2030. Theo đó, Hà Nội sẽ thành lập gần 600 đội bắt chó thả rông tại 30 quận, huyện, thị xã. Hiện nay, toàn thành phố có 4 quận nội thành gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Xuân, Tây Hồ được công nhận vùng an toàn về bệnh dại. Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng thành công vùng an toàn bệnh dại cho 12 quận nội thành, sau đó triển khai ra các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Để làm được việc này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, các địa phương phải yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó nuôi, chấp hành việc nuôi giữ chó trong khuôn viên gia đình theo đúng quy định để ngăn ngừa trường hợp chó cắn người... Muốn làm được như vậy thì các địa phương cần thành lập các tổ bắt giữ chó thả rông - điều được rất nhiều người dân đồng tình và ủng hộ.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để quản lý chặt chẽ đàn chó trên địa bàn thành phố, trước mắt các địa phương tổ chức rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó ở từng khu dân cư và số chó nuôi trong từng hộ gia đình để quản lý. Mặt khác, cần tổ chức đợt cao điểm tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó nuôi (kể cả mèo), bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng (tính trên tổng đàn chó nuôi thực tế) theo quy định. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó với cộng đồng, tất cả chung tay phòng chống bệnh dại; khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền cơ sở, cơ quan thú y và y tế về các trường hợp chó, mèo, động vật nghi mắc bệnh dại để kịp thời xử lý. Ngoài ra, cần tuyên truyền, hướng dẫn người bị chó cắn, mèo cào... đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý vết thương, điều trị dự phòng kịp thời; tăng cường áp dụng chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc xin dại theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31-7-2017 của Chính phủ; xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.