(HNM) - Sau sự việc một học sinh của Trường Tiểu học Gateway (quận Cầu Giấy) tử vong trên xe đưa đón, nhiều người tỏ ra nghi ngại về chất lượng của các trường mang danh quốc tế.
Trước thềm năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang tăng cường rà soát, kiểm tra với quan điểm dù mang danh là trường gì, thì yêu cầu bắt buộc vẫn phải là bảo đảm chất lượng giáo dục và tuân thủ các quy định pháp luật, ngăn chặn tình trạng lập lờ, lẫn lộn ảnh hưởng tới người học.
Lập lờ tên gọi "trường quốc tế"
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn Hà Nội cũng ngày càng đa dạng. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khá giả đã cho con du học ngay từ cấp phổ thông, thay vì đợi đến khi vào đại học như trước đây. Nắm bắt xu thế này, mạng lưới các trường dân lập, tư thục có yếu tố nước ngoài trên địa bàn thành phố ngày càng mở mang, phát triển, để đáp ứng nhu cầu "du học tại chỗ".
Thực tế cho thấy, việc mập mờ về tên gọi, tự gắn tên “quốc tế” của các trường là nhằm mục đích thu hút người học, còn chất lượng giáo dục của các trường ra sao thì do không công khai nên các phụ huynh, học sinh không được biết. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết: Hiện chưa có văn bản quy định thế nào là trường quốc tế. Việc gắn 2 từ “quốc tế” trong tên riêng của các trường được sử dụng khá phổ biến, song thực tế có đúng với quyết định thành lập và giấy phép hoạt động hay không thì cần kiểm tra cụ thể.
Ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, thông tin thêm: Tính đến tháng 8-2019, trên địa bàn Hà Nội có 11 trường có tên kèm hai chữ “quốc tế” trong quyết định thành lập và giấy phép hoạt động. Đây là các trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài và đã đăng ký hoạt động với Sở Giáo dục và Đào tạo theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Các trường này dạy chương trình quốc tế cho học sinh người nước ngoài sống tại Việt Nam và cả học sinh người Việt Nam (với tỷ lệ không quá 49% tổng số học sinh). Ngoài ra, còn có 25 trường dạy một phần chương trình quốc tế hoặc chương trình tích hợp. Trong số đó, có nhiều trường không có danh xưng “quốc tế”, như: Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam…
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Hànộimới tại các địa bàn như quận Thanh Xuân, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai..., không phải địa phương nào cũng dành sự quan tâm đúng mức đối với việc quản lý các cơ sở giáo dục này.
Còn theo bà Nguyễn Thị Mai, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt, quận Đống Đa, các trường có yếu tố nước ngoài, giảng dạy chương trình quốc tế… nếu sai phạm phải xử lý nghiêm minh, tránh hiện tượng nơi làm nghiêm, nơi lại lơ là, gây mất niềm tin xã hội và người học bị thiệt thòi. Cũng theo bà Mai, Nghị định 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đã nêu rõ các mức xử phạt về nội dung chương trình, đối tượng tuyển sinh, bằng cấp…, song dường như quy định này hiện chưa được thực thi nghiêm túc.
Công khai các trường được cấp phép hoạt động
Để hạn chế hiện tượng các trường tự gắn mác, trưng biển sai so với quyết định thành lập hoặc chất lượng giảng dạy không đúng cam kết, Sở Giáo dục và Đào tạo đang tổ chức rà soát toàn bộ các trường có yếu tố nước ngoài, như: Trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài, trường dạy một phần chương trình nước ngoài, trường gắn tên “quốc tế”… trên địa bàn thành phố.
Nhằm tránh việc mập mờ về tên gọi, gây hiểu nhầm cho phụ huynh, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ cho rằng, cần có quy định rõ hơn về tên gọi và chế tài xử lý, nếu vi phạm. Ngoài ra, cần có quy định cụ thể về trách nhiệm và thẩm quyền quản lý của các phòng giáo dục và đào tạo, chính quyền địa phương với các loại hình trường đó.
Theo kế hoạch, để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý với những cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, sau khi rà soát, phân loại, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ họp bàn với các sở, ngành và các phòng giáo dục và đào tạo để xác định chính xác hiện trạng…, từ đó đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố đưa ra những giải pháp siết chặt quản lý.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Ngọc Quang khẳng định: Các trường giảng dạy theo chương trình quốc tế hay chương trình tích hợp cũng đều phải thực hiện các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Các trường này phải tuân thủ những quy định về việc công khai công tác thu chi, nội dung chương trình, đội ngũ giáo viên, chất lượng giảng dạy… như các trường công lập. Việc này sẽ tăng tính minh bạch, tạo sự công bằng, cạnh tranh giữa các trường, đồng thời huy động được sự chung tay giám sát của người dân. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường giám sát và công khai danh sách các trường đã được cấp phép hoạt động để bảo đảm quyền lợi của người học.
11 trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký hoạt động với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội: Trường quốc tế đa cấp Anh Việt Hoàng Gia; Trường quốc tế đa cấp Anh - Hà Nội; Trường phổ thông đa cấp Concordia Hanoi; Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Song ngữ quốc tế Horizon tại thành phố Hà Nội; Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông quốc tế Singapore; Trường Tiểu học quốc tế Singapore tại Gamuda Gardens; Trường Tiểu học quốc tế Singapore tại Ciputra; Trường Tiểu học quốc tế Singapore tại Vạn Phúc; Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông quốc tế St.Paul; Trường Mầm non và Phổ thông quốc tế ParkCity Hà Nội; Trường Hàn Quốc tại Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.