(HNM) - Trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã chỉ rõ những “lỗ hổng” trong công tác quản lý ngân sách và đề xuất các giải pháp nhằm siết chặt kỷ luật ngân sách.
Những “lỗ hổng” quản lý
Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, công tác thu - chi ngân sách còn bộc lộ nhiều bất cập. Tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN… vẫn diễn ra khá phổ biến. Kiểm toán Nhà nước đã xác định số phải nộp NSNN năm 2015 tăng thêm 11.364,8 tỷ đồng.
Về quản lý nợ thuế, tổng số nợ thuế do ngành Thuế quản lý tính đến ngày 31-12-2015 là 79.276,2 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2014. Nợ thuế quá hạn do ngành Hải quan quản lý là 6.529,9 tỷ đồng. Công tác chi thường xuyên theo dự toán là 777.000 tỷ đồng, nhưng quyết toán lại lên tới 788.500 tỷ đồng, tăng 1,5% (11.500 tỷ đồng)...
Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính trong xây dựng cơ bản là cách sử dụng hiệu quả ngân sách. |
Nhận xét về những số liệu nêu trên, đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Đoàn Hà Nội) cho rằng, mặc dù quyết toán NSNN năm 2015 có số thu ngân sách tăng 9,6%, nhưng không thể vui mừng vì nguồn thu không vững chắc. Những số liệu được nêu trong báo cáo cho thấy vẫn chưa có giải pháp hiệu quả để chống thất thu ngân sách, khắc phục tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế.
Kết quả chi NSNN theo quyết toán cũng vượt kế hoạch, trong đó chi thường xuyên tăng mạnh nhưng chi cho đầu tư phát triển lại không kịp thời. Thực tế này cho thấy, cần phải xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có sai phạm trong thực thi pháp luật, điều hành NSNN nhằm tăng cường kỷ luật ngân sách.
Chỉ rõ những bất cập trong công tác quản lý NSNN, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) cho biết, theo báo cáo quyết toán những năm gần đây, số thu năm nào cũng vượt dự toán, thế nhưng vẫn không đủ chi. Để cân đối, chúng ta thường tăng khai thác dầu, tăng thu từ tài nguyên đất, nhưng đây là nguồn thu không bền vững và là “của để dành” của quốc gia. Nếu giá dầu, giá đất giảm mà tăng khai thác, hoàn toàn không có lợi.
Đại biểu cũng phân tích, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN, nhiều năm qua vẫn tồn tại những khoản chi sai, không đúng chế độ, không đúng nguồn kinh phí. Theo quy định hiện hành, chế tài xử lý những sai phạm tương đối đầy đủ, nhưng việc triển khai trên thực tế không nghiêm. Trong các nghị quyết có phần kiểm điểm, xử lý, nhưng phần báo cáo xử lý rất mờ nhạt; nếu chỉ nhắc nhở, không thể chấn chỉnh, hạn chế được sai phạm.
Đồng quan điểm về việc phải siết chặt kỷ luật ngân sách, đại biểu Phạm Quang Thanh (Đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, một trong những giải pháp thiết thực, có tác động ngay là phải cắt giảm các khoản chi khánh tiết. Theo kế hoạch chi NSNN năm 2017, con số đưa ra khá tốt với tỷ lệ bội chi ngân sách giảm. Song nếu chúng ta vẫn tăng chi thường xuyên thì số chi cho đầu tư phát triển sẽ không đạt tiến độ. Điều này sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế.
Thiếu tiền, nhưng tiêu vẫn... không hết?
Phân tích tình hình thu - chi NSNN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo báo cáo quyết toán ngân sách năm 2015, hai chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và xuất nhập khẩu không hoàn thành và ngân sách đã phản ánh rõ thực tế này. Làm rõ thêm về vấn đề nợ đọng thuế hiện ở mức cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, nếu như tổng số nợ thuế do ngành Thuế quản lý tính đến ngày 31-12-2015 là 79.276,2 tỷ đồng thì đến cùng kỳ năm 2016, số nợ còn 42.500 tỷ đồng. Tính riêng 4 tháng đầu năm 2017, đã thu hồi thêm được 16.000 tỷ đồng tiền nợ thuế. Những số liệu này khẳng định sự quyết liệt của các ngành chức năng trong công tác thu hồi nợ thuế.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, một trong những nguyên nhân khách quan khiến nợ thuế tăng là do tình hình kinh tế khó khăn, lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều, nhưng số giải thể, phá sản cũng không ít. Tính riêng 4 tháng đầu năm 2017, có 39.000 doanh nghiệp thành lập mới thì cũng có đến gần 30.000 doanh nghiệp giải thể. Trong khi đó, sau khi đăng ký hoạt động, phải mất một thời gian, doanh nghiệp mới có doanh thu để nộp thuế.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thẳng thắn nêu tình trạng giải ngân chậm làm ảnh hưởng tới công tác quản lý ngân sách và tiến độ thực hiện các dự án. Theo Bộ trưởng, năm 2017, dự kiến sẽ không giải ngân hết khoảng 50.000 tỷ đồng vốn ODA. “Chúng ta lúc nào cũng kêu thiếu tiền, nhưng cũng luôn để xảy ra tình trạng không tiêu hết tiền” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhìn nhận.
Chỉ rõ những bất cập trong quản lý chi ngân sách, đại biểu Phương Thị Thanh (Đoàn Bắc Kạn) cho rằng, việc phân bổ vốn đầu tư trung hạn là cho cả năm, nhưng giải ngân chậm dẫn đến chuyển nguồn lớn. Một số nguồn giải ngân rất chậm do vốn ngân sách phân bổ chậm, thủ tục đầu tư rườm rà.
Theo đại biểu, cần rà soát kỹ cơ chế quản lý phân bổ nguồn lực và tìm ra những điểm chưa hợp lý, chưa công bằng giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị. Cử tri đặt câu hỏi: Nguồn vốn lấy ở đâu khi có nơi trụ sở tốt lại đập đi, xây lại trong khi nhiều nơi UBND xã còn không có trụ sở, có nơi trụ sở mưa dột không hoạt động được. Vậy, không lấy tiền thuế của dân thì lấy ở đâu?
Những ý kiến của các đại biểu nêu về những bất cập trong công tác quản lý thu - chi NSNN thời gian qua sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng cường kỷ luật ngân sách. Điều này cũng sẽ giúp nguồn vốn nhà nước được quản lý hiệu quả, tới đúng địa chỉ, qua đó góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.