Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt kỷ luật Đảng là “trị bệnh cứu người”

Đức Tâm| 23/09/2019 06:58

(HNM) - Thời gian qua, vi phạm kỷ luật Đảng ở nhóm cán bộ, đảng viên có chức, có quyền gia tăng, thể hiện qua số tổ chức, cá nhân bị xử lý tăng đáng kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay. Điều này cho thấy Đảng ta đang siết chặt kỷ luật Đảng nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và giúp “trị bệnh cứu người”…

1. Kỷ luật có vai trò quan trọng trong xây dựng Đảng, giúp công tác lãnh đạo được triển khai chặt chẽ, hiệu quả, qua đó khẳng định tính tiên phong, làm tăng niềm tin của nhân dân vào Đảng… Nhận thức chung về kỷ luật Đảng là thế và đảng viên nào cũng hiểu, cũng thuộc. Tuy nhiên, thời gian qua, vì nhiều nguyên nhân nên kỷ luật Đảng có lúc, có nơi còn bị xem nhẹ.

Từ khi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" được đưa vào cuộc sống, công tác thi hành kỷ luật Đảng được siết chặt hơn trước.

Theo thống kê, từ đầu năm 2019 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 123 tổ chức Đảng và 7.923 đảng viên; trong đó có 256 đảng viên bị kỷ luật do có hành vi tham nhũng, cố ý làm trái. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hơn 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự.

Tại Đảng bộ thành phố Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2019, Ban Thường vụ Thành ủy thi hành kỷ luật 2 đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thi hành kỷ luật 2 đảng viên; chỉ đạo cấp dưới xem xét, thi hành kỷ luật 64 đảng viên. Mới nhất là trong tháng 7 và đầu tháng 8-2019, Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã xem xét, quyết định một số nội dung liên quan đến vi phạm của tổ chức Đảng, đảng viên thuộc Đảng bộ huyện Thạch Thất và Đảng bộ huyện Sóc Sơn.

Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội thi hành kỷ luật hình thức cảnh cáo với đồng chí Vương Văn Bút, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn (từ tháng 10-2005 đến tháng 12-2009), Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn (từ tháng 12-2013 đến tháng 1-2019); đồng chí Tạ Văn Đạo, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn (từ tháng 10-2012 đến tháng 12-2015).

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn (từ tháng 1-2016 đến nay) bị thi hành kỷ luật khiển trách… Trong khi đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách với Ban Thường vụ Huyện ủy Thạch Thất, nhiệm kỳ 2015-2020; yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm đối với đồng chí Nguyễn Doãn Hoàn (Bí thư Huyện ủy ở thời điểm thông báo kỷ luật) và Nguyễn Hồng Nhật (Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy)... Kỷ luật đồng chí Đặng Quang Ánh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thạch Thất bằng hình thức cảnh cáo.

Những số liệu và các vụ việc trên cho thấy, tinh thần đấu tranh quyết liệt với vi phạm kỷ luật Đảng nói chung, đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói riêng là không có “vùng cấm”. Kết quả này không chỉ làm trong sạch nội bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng các cấp; phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả mà còn góp phần lấy lại niềm tin với nhân dân.

2. Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, do cá nhân chủ nghĩa “mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”. Đây chính là căn cốt dẫn đến nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cũng chỉ ra vấn đề hết sức đáng lưu tâm thời gian qua là: “Việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật của Đảng chưa nghiêm, còn có biểu hiện "nhẹ trên, nặng dưới". Vì thế, trong giai đoạn hiện nay, vấn đề trọng tâm là tăng cường nâng cao nhận thức về vị trí, ý nghĩa, mục đích, tác dụng của việc chấp hành kỷ luật Đảng đối với mỗi tổ chức Đảng và đảng viên, trước hết là cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng.

Qua đó, mở rộng dân chủ, tăng hiệu quả, hiệu lực của giám sát và tính chủ động, tự giác chấp hành kỷ luật. Nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quy định, kỷ luật của Đảng rộng rãi trong đảng viên và nhân dân; để nhân dân tham gia giám sát tổ chức Đảng và đảng viên chấp hành kỷ luật Đảng, phản ánh kịp thời các trường hợp có khuyết điểm, vi phạm cho cấp có thẩm quyền.

Cùng với đó, mỗi tổ chức, cán bộ, đảng viên thường xuyên tự kiểm tra việc chấp hành các quy định của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không hình thức, qua loa, đại khái, sát với thực tế yêu cầu nhiệm vụ. Các đảng viên, tổ chức Đảng cần tôn trọng và chấp hành nghiêm khi được kiểm tra, giám sát.

Các tổ chức Đảng cần thường xuyên duy trì và thực hiện tốt, có nền nếp các chế độ sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp ủy, chi bộ. Trong sinh hoạt, vấn đề quan trọng nhất là thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; nêu cao ý thức tự phê bình và phê bình, kể cả trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Kịp thời biểu dương, khen thưởng bằng hình thức thích hợp những trường hợp có thành tích; phê bình, nhắc nhở, uốn nắn những trường hợp có thiếu sót, khuyết điểm; xử lý kiên quyết, nghiêm minh những trường hợp vi phạm.

Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả nghiên cứu của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy, trong soạn thảo văn bản, hướng dẫn thi hành các quy định của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cấp mình hiệu quả. Qua đó để tổ chức Đảng, đảng viên có cơ sở thực hiện nghiêm túc theo chức trách, nhiệm vụ được giao.

Theo thẩm quyền, các cơ quan giúp việc cần thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với thực tiễn, tránh chồng chéo trong lãnh đạo, chỉ đạo. Cần kịp thời loại bỏ những văn bản hướng dẫn thi hành có tính chất chung chung; đặc biệt là gây khó cho việc xác định có hay không có khuyết điểm, vi phạm để xem xét, kết luận, xử lý được chuẩn xác.

Việc thi hành kỷ luật Đảng nhiều cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng sai phạm thời gian gần đây, nhất là từ sau khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là chủ trương đúng đắn, làm cho Đảng mạnh thêm. Đây cũng là cách tốt nhất để quán triệt, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư,

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng vào tháng 5-2018: "Mục đích của kỷ luật là để trị bệnh cứu người".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt kỷ luật Đảng là “trị bệnh cứu người”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.