Theo dõi Báo Hànộimới trên

SEV và một quyết định đúng đắn

Thuận Thi| 22/07/2013 06:05

(HNM) - Những gì mà Samsung Electronics Việt Nam (gọi tắt là SEV) đạt được, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu sau gần 20 năm được xem là những bứt phá ngoạn mục.

Những con số ấn tượng

SEV được xem là nhà máy sản xuất điện thoại di động quy mô lớn nhất đầu tiên tại Việt Nam, và cũng là nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới của Samsung. Từ khi chính thức đi vào hoạt động, SEV đã nhanh chóng đạt được dấu mốc đầy ấn tượng: 10-4-2009, bắt đầu sản xuất điện thoại di động; 5 ngày sau đó đã xuất khẩu lô hàng điện thoại di động đầu tiên; gần 3 tháng sau đã đạt sản lượng 1 triệu điện thoại di động/tháng; một năm sau, đạt sản lượng 2 triệu điện thoại di động/tháng. Những mốc 3 triệu điện thoại di động/tháng; rồi 6 triệu chiếc/tháng đạt ngay ở những tháng sau đó. Tháng 9-2010, kim ngạch xuất khẩu cán mốc 1 tỷ USD và đến hết tháng 12-2012, con số này là 12,7 tỷ USD. Trong đó, hơn 95% được xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường quan trọng của SEV phải kể đến EU, Trung Đông, Nga và các nước Châu Á.

Lắp ráp hàng điện tử tại Công ty Samsung Electronis Việt Nam.


Với số vốn ban đầu 670 triệu USD, năm 2012, Samsung đã nâng tổng vốn đầu tư lên 2,5 tỷ USD và phát triển SEV thành Khu tổ hợp công nghệ cao Samsung Việt Nam (Samsung Complex). Các sản phẩm chủ lực của Samsung như Galaxy S2, S3, S4, Galaxy Note 1, Note 2 và nhiều loại máy tính bảng đều được sản xuất ở Bắc Ninh và xuất khẩu đi nhiều nước với dòng chữ Made in Vietnam!

Ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc khu tổ hợp công nghệ Samsung cho biết: các dây chuyền sản xuất thiết bị di động tại SEV được Samsung Electronis đầu tư và ứng dụng những công nghệ mới nhất trong sản xuất của tập đoàn. Các dây chuyền sản xuất được thiết kế có tính linh hoạt cao, có thể dễ dàng thay đổi theo sản phẩm. Dây chuyền đang sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) có thể nhanh chóng chuyển sang sản xuất máy tính bảng. Vì tính cơ động đó nên hiệu suất sản xuất và khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường đều được nâng cao.

Cùng với sản xuất điện thoại di động, dây chuyền sản xuất máy hút bụi cũng đã được SEV đưa vào hoạt động. Việc sản xuất máy tính xách tay tại SEV cũng đang được nghiên cứu để triển khai.

Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế

Là một doanh nghiệp công nghệ cao có quy mô đầu tư lớn, SEV được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, miễn thuế trong 4 năm đầu tiên và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Vì lý do này, đã có một số quan điểm cho rằng, Samsung không nộp thuế đầy đủ. Trên thực tế mặc dù được hưởng những ưu đãi kể trên, ngay từ năm đầu hoạt động SEV đã tham gia đầy đủ các nghĩa vụ thuế với nhà nước. Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý Khu công nghiệp Bắc Ninh, năm 2009, SEV bắt đầu nộp thuế với 19,74 tỷ đồng. sau đó, với doanh thu và lợi nhuận không ngừng tăng sau từng năm, năm 2010, SEV nộp ngân sách 82,52 tỷ đồng, năm 2011 hơn 137,67 tỷ đồng, năm 2012 gần 425 tỷ đồng, bao gồm các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng.

Nếu tính cả các loại thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng… mà phía cơ quan hải quan thu thì tổng cộng, đến hết năm 2012, SEV đã đóng góp hơn 3.204 tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do xuất khẩu lớn, được hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, đồng thời lại đang được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Nhà nước, nên tổng số thu nội địa của SEV ở Bắc Ninh cho tới cuối tháng 12-2012 đạt khoảng 680 tỷ đồng (bao gồm cả thuế nộp thay nhà thầu, trong đó phần thuế của riêng SEV là trên 317 tỷ đồng).

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2013, SEV đã nộp ngân sách tổng cộng 35,4 triệu USD. Với các khoản được khấu trừ khoảng 18 triệu USD, số thực nộp ngân sách của SEV còn 17,292 triệu USD (tương đương 365 tỷ đồng).

Năm 2013 là năm hoạt động thứ năm của SEV, và theo đúng lộ trình, SEV sẽ phải nộp 5% thuế thu nhập doanh nghiệp. Sau khoảng thời gian được hưởng ưu đãi thuế, từ năm nay SEV sẽ nộp ngân sách nhà nước nhiều hơn đáng kể so với những năm qua.

Chiến lược đúng và hậu sản xuất, kinh doanh

Còn nhớ năm 2007 khi xảy ra khủng hoảng kinh tế ở Châu Á, việc tập đoàn mẹ quyết định đầu tư nhà máy sản xuất điện thoại ở Việt Nam được xem là một cuộc cách mạng. Đã từng xảy ra việc tranh cãi, có nên đầu tư ở Việt Nam khi mà ngay tại Hàn Quốc tỷ lệ thất nghiệp đang quá cao; liệu việc đầu tư này có dẫn đến sự bất bình của dân chúng ngay tại Đại Hàn hay không... Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng giám đốc Samsung Vina cho biết, thời điểm đó đã có nhiều cuộc họp bàn lên bàn xuống, để rồi mãi mới đi đến quyết định sẽ đầu tư ở Việt Nam. Bắc Ninh được chọn là nơi đặt nhà máy bởi thuận tiện về mặt địa lý: đường hàng không gần sân bay Nội Bài; đường biển tới cảng Hải Phòng cũng thật thuận tiện và lại gần quốc lộ 1A. Và ngày 25-3-2008 đánh dấu một bước ngoặt lớn của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam. Đó là ngày mà SEV được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Quyết định đúng đắn của Tập đoàn là tiền đề để chỉ ít năm sau SEV thực sự lớn mạnh, nhanh chóng trở thành tổ hợp công nghệ cao Samsung, đạt mức tăng trưởng ngoạn mục khi doanh thu xuất khẩu đạt 12,7 tỷ USD, đóng góp hơn 11% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Tới đây những ngày đầu, nay trở lại được chứng kiến sự thay đổi tới chóng mặt. Nằm trong khuôn viên với diện tích 110ha, đây thực sự là khu tổ hợp thu hút hơn 38.000 người tới làm việc. Hiện có tới hơn 60 nhà thầu cung cấp linh kiện cho khu tổ hợp. Trong tương lai, theo ông Shim Won Hwan con số này sẽ lên tới khoảng 200.

Để chăm lo đời sống của gần 40.000 nhân viên, SEV đã ký hợp đồng với UBND huyện Yên Phong nhằm thu mua rau, củ, quả, trứng và các loại gia súc gia cầm. Việc này không chỉ giúp nông dân bao tiêu sản phẩm, tạo nên vùng đệm phát triển bền vững kinh tế vườn - ao - chuồng trong dân, mà còn góp phần làm tăng chất lượng bữa ăn cho nhân viên.

SEV cũng bố trí 200 xe buýt đưa đón nhân viên hằng ngày giữa Bắc Ninh, Hà Nội và các địa phương lân cận. SEV đã xây được 4 tòa nhà ký túc xá có sức chứa 2.400 người. Các công nhân ở đây chỉ phải đóng chưa tới 50.000 đồng/tháng cho chi phí điện sinh hoạt và nước. Các dịch vụ khác như dọn phòng, máy giặt… đều do SEV chi trả. Tại mỗi tòa nhà còn có một tiệm cắt tóc gội đầu, nhà ăn và cả phòng riêng để phục vụ những nhân viên có gia đình tới thăm. Được biết đến cuối năm sẽ xây thêm 10 tòa nhà ký túc xá có sức chứa 6.000 người. Trong tương lai, ký túc xá của SEV có thể giải quyết chỗ ở cho 8.400 nhân viên và công nhân. Những công nhân không ở trong ký túc xá được SEV hỗ trợ 200.000 đồng/tháng.

Ông Shim Won Hwan cũng cho biết thêm, ở SEV có Ngày cởi mở. Đó là ngày mà Tổng giám đốc ăn cơm cùng các nhân viên để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Ngày cởi mở được tổ chức 3 lần/tháng. Đặc biệt, hàng quý sẽ bình chọn 300 nhân viên xuất sắc nhất. Cha mẹ những nhân viên này được Tổng giám đốc mời tới đại bản doanh của SEV để họ được tận mắt chứng kiến điều kiện ăn ở của con mình và sau đó là chuyến du lịch 3 ngày 2 đêm của họ cùng con họ - những nhân viên xuất sắc của SEV. Hoạt động đầy ý nghĩa này đã giúp các nhân viên của SEV không chỉ yên tâm làm việc mà còn gắn kết hơn với công ty.

Các hoạt động cộng đồng được SEV rất chú trọng. Nhiều CLB sở thích đã được thành lập như nhiếp ảnh, bóng bàn, bóng đá nữ, rồi những dàn hợp xướng, đội nhảy cũng thu hút rất đông nhân viên tham gia. SEV cũng đã trao gần 1.000 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó của tỉnh Bắc Ninh. Và kể từ năm 2011 đến nay đã có trên 4.000 nhân viên của SEV tham gia hiến máu nhân đạo.

Với sự phát triển của SEV Bắc Ninh, theo ông Shim Won Hwan, đội ngũ nhân viên ở đây được xem như anh cả bởi nhiều người đã từng được gửi đi đào tạo ở nước ngoài. Họ thực sự là những hạt giống giúp nhà máy ở Thái Nguyên sẽ đi vào hoạt động trong tương lai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
SEV và một quyết định đúng đắn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.