(HNMO) - Sau 6 năm bán ra, Volkswagen Passat đã bị khai tử tại thị trường Việt Nam, tiếp tục cho thấy sân chơi của những chiếc sedan cỡ D, vốn một thời được hâm mộ, đã dần khép lại.
Ít ai biết, Volkswagen đã ngưng nhập khẩu Passat về Việt Nam từ đầu năm 2022. Lúc này, những chiếc Passat cuối cùng còn tồn kho đang được Volkswagen Việt Nam thanh lý với mức giảm giá mạnh tại các đại lý.
Được nhập khẩu nguyên chiếc từ Đức, Passat ra mắt chính hãng lần đầu tại Việt Nam vào năm 2016, là đối thủ trực tiếp của Toyota Camry, Honda Accord, Mazda6 và KIA K5. Hiện tại, xe vẫn đang bán ở Việt Nam với duy nhất phiên bản BlueMotion High giá 1,48 tỷ đồng, trong khi GP (giá 1,266 tỷ đồng) và BlueMotion Comfort (giá 1,38 tỷ đồng) đã bị “khai tử”.
Trao đổi với báo chí, Volkswagen cho biết chưa có kế hoạch đưa mẫu xe này trở lại Việt Nam, mà thay vào đó tập trung khai thác khách hàng với các mẫu xe gầm cao mới đưa về những năm gần đây như: T-Cross, Tiguan và Teramont…
Passat không phải trường hợp sedan cỡ D duy nhất đối mặt khó khăn. Thị hiếu thay đổi dẫn tới tình trạng hầu hết dòng sedan cỡ D tại Việt Nam hiện nay đều suy giảm mạnh về doanh số.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong năm 2021, tổng lượng ô tô thuộc phân khúc sedan hạng D tiêu thụ trong nước chỉ đạt 5.544 xe, giảm 2.749 xe, tương đương 33,1% so với năm 2020.
Khó khăn phản ánh lên mọi gương mặt trong phân khúc, như Mazda 6 năm 2021 chỉ bán được 1.122 xe, thấp hơn nhiều con số 3.243 xe của năm 2016 – thời kỳ đỉnh cao của dòng sản phẩm này.
Bước sang năm 2022, sự suy giảm tiếp tục gia tăng. Một ví dụ là Honda Accord, dù được giảm giá hàng chục triệu đồng tại các đại lý, nhưng hầu như không được khách hàng quan tâm. Tháng 8-2022, chỉ 9 chiếc Accord được giao tới tay người tiêu dùng trong nước.
Trường hợp lội ngược dòng hiếm hoi trong nửa đầu năm là VinFast Lux A2.0, nhưng chủ yếu nhờ việc áp dụng khuyến mãi tối đa khiến giá bán thực tế giảm hàng trăm triệu đồng, tiệm cận xe phân khúc C (như Mazda 3 hay Toyota Altis). Tới nay, mẫu xe này cũng đã bị khai tử, đồng nghĩa rằng mẫu xe ghi nhận doanh số tương đối ổn định chỉ còn Toyota Camry.
Theo giới chuyên môn, khó khăn của sedan phân khúc D ở thị trường trong nước có một phần đến từ khó khăn chung của dòng xe sedan trước áp lực cạnh tranh từ xe gầm cao. Cùng với đó là việc doanh số èo uột khiến hoạt động sản xuất tại chỗ trở nên bất khả thi, đồng nghĩa mức giá bán khó lòng thuyết phục được người tiêu dùng, nhất là khi những sản phẩm hạng sang như BMW, Mercedes-Benz, Audi… đang ngày một rẻ hơn.
Hệ quả là, phân khúc sedan D lúc này chỉ còn ít đại diện, chủ yếu là các thương hiệu Nhật Bản. Nhiều cái tên đình đám một thời như Ford Mondeo, Nissan Teana, Renault Latitude hay Hyundai Sonata… đều đã lùi vào dĩ vãng. Những sản phẩm còn trụ lại đang được các nhà sản xuất “trợ lực” bằng nhiều cách, từ việc gia tăng trang bị, cho tới giảm giá, tặng quà ưu đãi, nhưng việc kinh doanh nhìn chung chưa thể có đột phá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.