(HNM) - Dù được dự báo sẽ gặp nhiều bất lợi tại Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games 29 năm 2017 (khai mạc ngày 20-8 tại Malaysia), song Đoàn Thể thao Việt Nam vẫn nỗ lực hoàn thành
Vận động viên Nguyễn Thị Ánh Viên - niềm hy vọng vàng của Thể thao Việt Nam tại SEA Games 29. Ảnh: Minh Hoàng |
Vào nhóm ba nước dẫn đầu - sự mặc định?
SEA Games 22 năm 2003 đã đặt một dấu mốc mới cho thể thao Việt Nam. Từ chỗ luôn đứng ngoài nhóm ba nước dẫn đầu tại các kỳ SEA Games kể từ năm 1989, Thể thao Việt Nam đã có bước nhảy vọt nhờ sự đầu tư cho lực lượng vận động viên trong nhiều năm. Kỳ SEA Games 22, Đoàn Thể thao Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn đã tạo đà cho những kỳ SEA Games sau thường xuyên xếp thứ ba toàn đoàn. Trước một số kỳ SEA Games như năm 2011 hay 2015, Đoàn Việt Nam cũng có nguy cơ đứng ngoài nhóm ba nước dẫn đầu nhưng cuối cùng vẫn hoàn thành mục tiêu đề ra. Thế nên, mỗi khi Thể thao Việt Nam chuẩn bị tranh tài tại SEA Games, ít người nghĩ đến viễn cảnh Đoàn Việt Nam đứng ngoài nhóm ba nước dẫn đầu. Bản thân lãnh đạo Đoàn Thể thao Việt Nam trước mỗi kỳ SEA Games cũng nhận định rằng, sẽ rất “đau đầu” nếu đứng ngoài nhóm ba, dù mỗi SEA Games có một đặc thù về số môn thi đấu.
Đặc thù ấy được biết đến với việc số môn và nội dung thi đấu, kể cả môn thi đấu trong chương trình Olympic cũng không bao giờ ổn định. Khi nước chủ nhà vin vào các điều kiện khách quan để không tổ chức một số nhóm môn không phải thế mạnh thì các đoàn khác cũng đành... chịu. Vì thế, nhiều nước đã không thể chủ động trong kế hoạch dài hơi để tranh tài tại SEA Games mà hướng tới mục tiêu xa hơn như Olympic và ASIAD.
Dù vậy, quá trình chuẩn bị và thi đấu tại SEA Games vẫn mang lại hiệu ứng lớn. Còn nhớ vào năm 2015 khi Nguyễn Thị Ánh Viên giành tới 8 Huy chương vàng ở SEA Games 28, giới hâm mộ thể thao trong nước đã quan tâm hơn đến môn bơi cũng như Thể thao Việt Nam. Các nhà tài trợ cũng hào hứng hơn với sân chơi này. Vì thế, cách thích ứng với đấu trường SEA Games vẫn được đề cao.
Cạnh tranh khốc liệt
Thực tế cho thấy, hiện có quá nhiều khó khăn để thực hiện trọn vẹn mục tiêu đầu tiên là giành vị trí thứ ba toàn đoàn. Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 29 đánh giá: SEA Games 29 sẽ là một trong những kỳ có nhiều bất lợi cho Đoàn Thể thao Việt Nam. Lấy lý do khách quan nên nước chủ nhà đã không đưa vào chương trình thi đấu SEA Games 29 một số môn và nội dung thế mạnh của Thể thao Việt Nam như vật, đua thuyền rowing và canoeing, cử tạ nữ, boxing nữ, các nội dung đồng đội môn đấu kiếm. Theo ông Trần Đức Phấn, Thể thao Việt Nam sẽ "mất" ít nhất 20 Huy chương vàng so với kỳ SEA Games trước khi một số môn và nội dung thi đấu nêu trên bị cắt.
Vì vậy, Đoàn Thể thao Việt Nam chỉ đặt mục tiêu phấn đấu giành từ 49 đến 59 Huy chương vàng tại SEA Games 29, dựa vào thế mạnh những môn như: Điền kinh, bơi, bắn súng, taekwondo, đấu kiếm, wushu (nội dung biểu diễn), pencak silat, bóng đá nam, bóng đá nữ... Trong khi đó, để có thể xếp thứ ba toàn đoàn tại những kỳ SEA Games gần đây và cả SEA Games 29, cần phải giành từ 65 đến 70 Huy chương vàng. Nếu Malaysia và Thái Lan giành hai vị trí đầu tiên thì Việt Nam và Indonesia sẽ phải cạnh tranh vị trí thứ ba. Đây sẽ là cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt với Thể thao Việt Nam khi thể thao Indonesia đang khát khao vươn lên.
Còn với mục tiêu có nhiều vận động viên vào nhóm dẫn đầu các môn Olympic, ASIAD, xem ra khả thi hơn, do Thể thao Việt Nam luôn chú trọng đến những môn này trong nhiều năm qua. Điền kinh, bơi, thể dục dụng cụ, bắn súng, cử tạ… luôn có bước tiến đều đặn, trong đó nổi lên là sự xuất sắc của vận động viên Nguyễn Thị Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh... Ông Trần Đức Phấn cho rằng: “SEA Games 29 cũng sẽ là nơi tổng duyệt của Thể thao Việt Nam khi chỉ còn một năm nữa là khai mạc ASIAD 2018. Nếu Thể thao Việt Nam không vào nhóm ba đoàn dẫn đầu SEA Games 29 nhưng vận động viên nhóm môn Olympic, ASIAD trong nhóm dẫn đầu thì vẫn chấp nhận được”. Cũng theo ông Trần Đức Phấn, “các thành viên trong Đoàn quyết tâm giữ vững vị trí thứ ba toàn đoàn. Tuy nhiên, chúng tôi không gây áp lực với vận động viên nhằm giúp họ thể hiện tốt nhất khả năng của mình”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.