Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với loại hình cơ sở giết mổ nhỏ lẻ

Ngọc Quỳnh| 03/06/2023 13:27

(HNMO) - Ngày 3-6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị về kiểm soát giết mổ động vật và triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14-1-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến tháng 5-2023, cả nước có 463 cơ sở giết mổ động vật tập trung và 24.654 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ. Tất cả cơ sở giết mổ động vật tập trung đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y/an toàn thực phẩm, đều được nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ theo quy định.

Tuy nhiên, các cơ sở giết mổ tập trung hoạt động kém hiệu quả, việc xử lý các tổ chức, cá nhân có cơ sở chăn nuôi, giết mổ động vật nhỏ lẻ, kinh doanh sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương vẫn còn tình trạng giết mổ không phép dẫn đến các cơ sở giết mổ tập trung hoạt động không hiệu quả, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sắp xếp và chấn chỉnh công tác kiểm soát giết mổ tại địa phương.

Quang cảnh hội nghị.

Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tạ Văn Tường cho biết, tổng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm động vật của thành phố khoảng 800-900 tấn/ngày, tổng lượng thịt gia súc, gia cầm từ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát trên địa bàn thành phố đạt trên 400 tấn/ngày, cộng thêm nguồn thịt nhập vào Hà Nội được kiểm dịch khoảng trên 150 tấn/ngày, tương đương 60% nhu cầu tại thị trường Hà Nội được kiểm soát nguồn gốc ngay từ cơ sở. Số còn lại do các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ cung cấp ra thị trường.

Hiện, thành phố có 726 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhưng đa số hoạt động chưa hết công suất. Có cơ sở giết mổ công nghiệp đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại chỉ hoạt động 15-30% công suất thiết kế; có cơ sở phải tạm ngừng hoạt động giết mổ hoặc chuyển sang giết mổ trên sàn (giết mổ bán công nghiệp) để duy trì hoạt động. Trong khi đó, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ tồn tại số lượng lớn, hoạt động giết mổ rất đa dạng, phương thức chủ yếu là thủ công…

Từ thực tế khó khăn trong duy trì các cơ sở giết mổ động vật tập trung, Cục Thú y kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung thêm đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là cá nhân, tổ chức khi đầu tư vốn xây mới cơ sở giết mổ động vật tập trung; tiếp tục ban hành chính sách ưu đãi về thuế, vay vốn và đất đai.

Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 101/2020/TT-BTC ngày 23-11-2020 theo hướng tăng mức phí kiểm soát giết mổ, đặc biệt đối với lợn và trâu, bò, đồng thời đề xuất tăng mức thu phí kiểm soát giết mổ đối với các cơ sở giết mổ động vật quy mô nhỏ lẻ cao hơn so với các cơ sở giết mổ động vật tập trung nhằm tiến tới xóa bỏ dần hoạt động giết mổ nhỏ lẻ.

Cần thêm những chính sách để hỗ trợ các cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để tiến tới chấm dứt các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, các địa phương phải vào cuộc tích cực, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm; đồng thời có chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với loại hình cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với loại hình cơ sở giết mổ nhỏ lẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.