Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ tăng ý thức chấp hành luật

Ban Bạn đọc| 14/04/2010 07:07

(HNM) - Ngay sau khi bài viết "Tăng mức xử lý vi phạm giao thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh: Giải pháp chữa bệnh nhờn luật" đăng trên Báo Hànộimới số ra ngày 13-4-2010, rất nhiều bạn đọc tiếp tục gửi ý kiến đóng góp đến Báo Hànộimới, hầu hết đều tỏ ra đồng tình trước việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGT tại hai thành phố lớn nhất của cả nước...

Nguyenthanh... @yahoo.com.vn:
Nâng mức phạt là hợp lý

Tôi rất nhất trí với việc nghị định mới nâng cao mức phạt với hành vi vi phạm của người điều khiển xe ô tô và các loại phương tiện tương tự. Hiện nay, điều gây bức xúc là ý thức chấp hành luật giao thông của các "bác tài" còn rất hạn chế, đặc biệt là đội ngũ lái taxi. Khi xảy ra ùn tắc, nhiều tài xế sẵn sàng lấn sang cả làn đường xe máy, buộc xe máy, xe đạp phải luồn lách sang phần đường của xe ô tô. Tình trạng dừng, đỗ không đúng nơi quy định, vượt đèn đỏ, vượt phải... diễn ra phổ biến. Tăng mức phạt sẽ buộc các tài xế phải đi đúng phần đường, hạn chế được phần lớn bức xúc của giao thông đô thị...

Phạm Đức Hải (thị trấn Yên Viên, Gia Lâm):
Sống ở Hà Nội sẽ đồng cảm với quy định mới

Rõ ràng, thời gian đầu khi mới thực hiện, nhiều người sẽ thấy khó khăn, nhưng về lâu dài, đây là giải pháp rất hợp lý nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật giao thông của người dân và là thước đo văn minh đô thị. Theo tôi, trừ những trường hợp bất khả kháng hoặc do thiếu hiểu biết, đa số các trường hợp vi phạm TTATGT bắt nguồn từ sự cẩu thả, vô trách nhiệm của người điều khiển phương tiện. Mức phạt đang áp dụng là quá nhẹ, không đủ sức răn đe, không làm giảm được vi phạm. Tăng mức phạt sẽ khiến người tham gia giao thông ý thức được việc bản thân mình sẽ bị thiệt hại về kinh tế nếu vi phạm, do đó tình trạng vi phạm ATGT chắc chắn sẽ giảm xuống. Là những người dân Hà Nội đang hằng ngày, hằng giờ sống chung với nạn ùn tắc giao thông, chắc chắn sẽ hiểu và thông cảm cho những quyết sách đặc thù được đưa ra lần này.

Trung tá Nguyễn Văn Tòng - Đội trưởng Đội CSGT số 1:
Kỳ vọng thay đổi ý thức của người dân

Là những người trực tiếp làm nhiệm vụ giữ gìn TTATGT, chúng tôi đang chờ đón từng ngày, từng giờ thời điểm Nghị định 34/CP chính thức có hiệu lực. Tôi cho rằng, việc cho phép Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có một cơ chế đặc thù trong xử lý vi phạm TTATGT là hoàn toàn đúng đắn, bởi lẽ chưa khi nào tắc nghẽn và TNGT lại nhức nhối như ở hai thành phố lớn nhất cả nước này. Hà Nội là trung tâm chính trị - văn hóa, vì vậy văn hóa giao thông cũng phải được quan tâm. Bằng sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, thời gian qua tình trạng đỗ xe bừa bãi, không đội MBH... đã giảm nhiều nhưng các hành vi vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến. Vì vậy, chúng tôi rất kỳ vọng việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông sẽ tác động mạnh đến ý thức chấp hành của người dân...

Anh Nguyễn Tiến Thành (phố Đội Cấn, quận Ba Đình):
Cần tuyên truyền rộng rãi

Nghiên cứu NĐ 34/CP tôi thấy các chế tài xử lý vi phạm Luật Giao thông đường bộ lần này được quy định khá cụ thể và nghiêm khắc. Không chỉ người điều khiển xe ô tô, xe máy mà cả người đi bộ, nếu vi phạm một số hành vi áp dụng riêng trong khu vực nội thành của các TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đều bị xử lý ở mức rất cao. Bản thân tôi rất hoan nghênh và đồng tình vì nếu mình có ý thức chấp hành luật thì không có gì phải lo lắng về mức phạt cao hay thấp cả. Vi phạm thì phải chịu phạt, đó là chuyện hết sức bình thường trong một xã hội văn minh. Có điều, việc xử lý chắc chắn sẽ gặp khó khăn bởi tâm lý người dân chưa quen, sẽ bị "choáng" khi đối mặt với mức phạt cao, từ đó sẽ có những phản ứng. Do vậy, từ nay đến ngày nghị định có hiệu lực thi hành, cơ quan chức năng cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng hơn để người dân nắm được và chấp hành.

Chị Đỗ Thị Hiền (phường Yết Kiêu, quận Hà Đông):
Không để người nghiêm chỉnh sợ kẻ đi ẩu

Tôi có nghe nói về việc sắp tăng mức phạt đối với người vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Cá nhân tôi rất hoan nghênh. Đúng là giao thông bây giờ lộn xộn quá, nhiều người không coi luật pháp là gì cả. Đi đường thì người nghiêm chỉnh phải tránh người đi ẩu. Nếu không có một mức phạt đủ để làm người ta sợ thì không thể có trật tự giao thông được. Tôi nghĩ, việc phạt nặng không nhằm "đánh" vào ai cả. Trách nhiệm công dân thì ai cũng như ai nên khi xử phạt cũng phải bình đẳng, không có sự phân biệt. Cũng cần phải ngăn chặn việc can thiệp, xin xỏ khi xử lý vi phạm để bảo đảm tính nghiêm minh của luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sẽ tăng ý thức chấp hành luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.