(HNMO) - Chiều 8-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc ban hành dự thảo Nghị định về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và các cơ quan liên quan dự.
Ảnh: VGP |
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, kể từ năm 1992 khi Chính phủ cho thí điểm kinh doanh trò chơi có thưởng dành cho người nước ngoài tại Hải Phòng, đến nay cả nước đã có 43 điểm kinh doanh tại các khách sạn 3 sao trở lên và một số điểm du lịch, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh .
Người đứng đầu ngành tài chính nhận định, việc tổ chức kinh doanh dịch vụ này thiếu quy hoạch tổng thể, số lượng cấp phép nhiều nhưng quy mô đầu tư nhỏ và phân tán. Khuôn khổ pháp lý bất cập nên không thu hút được nhà đầu tư tiềm lực tài chính mạnh, muốn làm ăn nghiêm túc, lâu dài ở Việt Nam. Khâu quản lý, giám sát sau cấp phép lỏng lẻo khiến có tới 6 điểm kinh doanh cho cả người Việt Nam vào chơi. Do đó, nội dung quan trọng nhất trong dự thảo Nghị định về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài là nâng cao điều kiện khách sạn được phép kinh doanh máy trò chơi điện tử có thưởng, quy định cụ thể các loại hình sản phẩm và quy trình kinh doanh, cũng như hoạt động quản lý giám sát đối với hoạt động kinh doanh này. Cụ thể, chỉ có cơ sở lưu trú được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng từ 5 sao trở lên, đáp ứng đủ các điều kiện an ninh, trật tự và năng lực tài chính mới được xét duyệt... Hiệu lực tối đa của Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh là 10 năm, thời gian gia hạn tối đa không quá 10 năm.
UB Tài chính, Ngân sách của QH - cơ quan thẩm tra dự án này và hầu hết các ủy viên UBTVQH đồng tình với chủ trương trên. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, trách nhiệm quản lý nhà nước và cơ chế giải quyết tranh chấp vẫn chưa được đề cấp rõ nét trong lĩnh vực kinh doanh đặc thù này. Đây là vấn đề Bộ Tài chính cần tiếp tục làm rõ. Chủ nhiệm UB Tài chính, Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển kiến nghị, về lâu dài, cần pháp điển hóa các văn bản dưới luật điều chỉnh các hoạt động kinh doanh nêu trên để ban hành một đạo luật chung nhằm tạo căn cứ pháp lý ổn định, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống các văn bản pháp luật liên quan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.