Sáng nay (18/10), Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định: Bộ đã thành lập tổ công tác để về trực tiếp Hà Tĩnh, Hà Nội kiểm tra thông tin báo chí nêu.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, từ năm 2003 khi tách khu vực hành chính và khu vực sự nghiệp thì hình thành hệ thống công chức, viên chức. Đối với viên chức thực hiện tuyển dụng và ký hợp đồng làm việc. Ký hợp đồng làm việc trong viên chức có nghĩa là thỏa thuận giữa quyền và nghĩa vụ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Có hai hình thức: hợp đồng có thời hạn và hợp đồng không có thời hạn. Đây là quy định của pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Ảnh: Tuổi trẻ |
Đến năm 2008 thì Chính phủ ban hành Luật Công chức và năm 2010 ban hành Luật Viên chức thì quy định những người được tuyển dụng trong các đơn vị sự nghiệp công lập được gọi là viên chức trừ một vài vị trí chủ chốt mà pháp luật quy định là công chức, nghĩa là đều thực hiện theo cơ chế ký hợp đồng làm việc.
“Khi ký hợp đồng thì cơ quan có nhu cầu và được cấp có thẩm quyền giao chỉ tiêu thì quyền tổ chức tuyển dụng và ký hợp đồng làm việc. Chính vì thế cơ quan có nhu cầu hoàn toàn có quyền được chấm dứt hợp đồng, đây là câu chuyện hết sức bình thường trong việc quản lý đội ngũ viên chức” – Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Tuấn cũng cho rằng, khi thực hiện chấm dứt hợp đồng thì cần phải kiểm tra, xem xét một cách thận trọng để đảm bảo quyền lợi của đội ngũ giáo viên
“Đối với các vấn đề chấm dứt hợp đồng đối với giáo viên của Hà Tĩnh và Hà Nội mà báo chí nêu, Bộ Nội vụ đã yêu cầu hai địa phương này có báo cáo. Vụ việc ở đây có rất nhiều điểm giống như câu chuyện ở Yên Phong - Bắc Ninh mà Bộ Nội vụ đã vào cuộc xử lý. Chính vì thế, Bộ Nội vụ sẽ tiến hành kiểm tra đối với Hà Tĩnh và Hà Nội. Sau khi kiểm tra Bộ Nội vụ sẽ có kết luận cuối cùng về vụ việc” – Thứ trưởng Tuấn nói.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng khẳng định, Bộ Nội vụ đã thành lập tổ công tác để trực tiếp về Hà Tĩnh làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của địa phương để nghe báo cáo, thậm chí kiểm tra quy trình, thủ tục, các quá trình ký kết hợp đồng, phân cấp của địa phương nhằm làm rõ trách nhiệm. Nếu để tình trạng ký hợp đồng lao động lâu thì cần phải kiểm tra lý do vì sao? Việc giáo viên gắn bó nhiều năm với địa phương giờ chấm dứt hợp đồng lao động là vì nguyên nhân gì?... Tất cả những câu hỏi này sẽ được trả lời sau khi đoàn công tác của Bộ Nội vụ đi kiểm tra xong.
Trao đổi thêm với báo chí về vụ việc cắt hợp đồng hơn 200 giáo viên ở Hà Tĩnh, bà Lê Minh Hương - Vụ phó Vụ Công chức, Viên chức (Bộ Nội vụ) khẳng định: Nghị định 68/2000/NĐ-CP đã quy định thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp. Trong Nghị định này không có quy định này cho phép thực hiện ký hợp đồng giáo viên. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những địa phương làm sai quy định và Bộ Nội vụ đã có văn bản chấn chỉnh.
Năm 2010, Chính phủ đã ban hành Luật Viên chức và Bộ Nội vụ đã có Thông tư 15 hướng dẫn thực hiện Luật này. Theo Luật thì nếu thiếu thì phải tổ chức tuyển dụng, nếu chưa tuyển dụng đã kí hợp đồng tuyển dụng là không đúng quy định. Trách nhiệm thuộc UBND huyện và Sở Nội vụ (đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh)
Theo nguồn thông tin riêng của phóng viên, trong tuần tới, Tổ công tác của Bộ Nội vụ sẽ làm việc với Hà Tĩnh về vụ việc cắt hợp đồng 214 giáo viên. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo sát diễn biến tiếp theo của vụ việc để sớm thông tin đến bạn đọc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.