(HNMO)- Những ngày sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ, trong khi người dân tại các xã trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội) tập trung vào cấy lúa xuân cho kịp thời vụ, thì hàng chục hộ dân ở thôn Trung Vực Trong, xã Thượng Vực vẫn không ra đồng sản xuất vì chưa đồng tình với cách làm của chính quyền địa phương khi tiến hành dồn điền, đổi thửa (DĐĐT).
Cần thiết phải DĐĐT
Năm 1993, khi thực hiện giao đất theo Nghị định số 64/NĐ-CP của Chính phủ, xã Thượng Vực có 479,16 ha đất tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp ngoài đồng là 323,68 ha (chia thành 2 khu trồng màu và chuyên canh lúa). Diện tích đất nông nghiệp của xã được giao theo đơn vị thôn. Theo đó, 4 thôn: An Thượng, An Mỹ, Trung Vực Trong, Trung Vực Ngoài có diện tích canh tác bình quân 480m2/khẩu; thôn Đồng Luân bình quân đạt 511m2/khẩu.
Ông Cao Văn Thúy, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Vực cho biết, giai đoạn 1997-2006, xã đã tiến hành DĐĐT với kết quả bình quân mỗi hộ đang có từ 14-15 thửa giảm xuống còn 5-7 thửa. Thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhất là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, đòi hỏi cần thiết phải tiếp tục thực hiện DĐĐT với mục tiêu mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa. Bởi vậy, tháng 7-2012, Đảng ủy xã đã có nghị quyết về tiếp tục lãnh đạo thực hiện DĐĐT gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp. Tiếp đến, tháng 9-2012, UBND xã Thượng Vực xây dựng xong đề án DĐĐT gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã năm 2012-2013. Đề án này đã được HĐND xã có nghị quyết thông qua. Sau đó, các thôn đã tổ chức họp nhân dân để thông báo, phổ biến chủ trương, chính sách, đề án DĐĐT. Qua đó đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của hầu hết các hộ dân trong xã. 4 thôn: An Thượng, An Mỹ, Trung Vực Ngoài và Đồng Luân đã hoàn thành việc DĐĐT, trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ các hộ dân rất phấn khởi nhận ruộng canh tác và khẩn trương bắt tay vào sản xuất vụ xuân.
Tập trung máy làm đất trên đồng ruộng thôn Trung Vực Trong, xã Thượng Vực (Chương Mỹ) nhằm đáp ứng kịp thời vụ cấy lúa xuân |
Còn tại thôn Trung Vực Trong cũng đã tiến hành triển khai các quy trình thực hiện DĐĐT. Tại cuộc họp nhân dân ngày 25-9-2012, có 180/299 hộ dân trong thôn đã đến dự họp. Kết quả 100% các đại biểu có mặt tại cuộc họp đã biểu quyết nhất trí DĐĐT; 160/180 đại biểu biểu quyết nhất trí hiến 30m2 đất/khẩu để làm giao thông, thủy lợi nội đồng; 180/180 đại biểu biểu quyết nhất trí đề án quy hoạch sản xuất vùng chuyên lúa, chuyên màu, trang trại chăn nuôi... Sau đó, các công việc phục vụ DĐĐT đã được tiến hành, ruộng đất đã được dồn đổi. Cuối tháng 1-2013, có 234/298 hộ tham gia bốc thăm và nhận bàn giao ruộng ngoài thực địa (trong đó chỉ có 99 hộ ký vào biên bản bàn giao). Tìm hiểu nguyên nhân được biết, một bộ phận nhân dân không đồng tình, nhất trí với phương án DĐĐT của xã Thượng Vực và phương án giao ruộng của thôn Trung Vực Trong. Trong đó có ý kiến chưa đồng ý với việc hiến 30m2 đất canh tác/khẩu để xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng; bên cạnh đó, đề nghị không nên dồn đổi mỗi hộ chỉ còn một thửa mà phải thành 2 thửa để đảm bảo hộ nào cũng có một thửa trồng màu và một thửa cấy lúa.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là trong khi lịch sản xuất vụ xuân không còn nhiều, nhưng một số hộ dân đòi trả lại ruộng, xây dựng lại phương án dồn đổi nếu không họ bỏ ruộng hoang không cấy cày. Mấy ngày hôm nay, nhiều hộ dân không ra đồng sản xuất mà tụ tập trước cổng UBND xã để phản đối, một số khác thì “túm 5 tụm 3” ngoài đồng để “xem” chính quyền thuê máy cày cày ruộng nhà mình...
Cương quyết không để ruộng hoang
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ, quá trình tổ chức thực hiện DĐĐT ở thôn Trung Vực Trong đã nảy sinh một số thiếu sót, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của ban chỉ đạo xã và tiểu ban DĐĐT thôn trong việc tổ chức học tập, dân chủ công khai, tổ chức thực hiện phương án dồn đổi, phương án giao ruộng. Do chỉ còn ít ngày nữa là hết thời vụ sản xuất vụ xuân năm nay nên tạm thời chưa thể chỉ đạo xây dựng lại phương án DĐĐT và thực hiện các bước để nhân dân thống nhất thực hiện. Ngay từ đầu tháng 2 vừa qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ đã yêu cầu Đảng ủy, UBND xã, Ban chỉ đạo DĐĐT xã Thượng Vực chỉ đạo tiểu ban DĐĐT thôn Trung Vực Trong tiếp tục mời các hộ xã viên còn lại chưa nhận ruộng khẩn trương đi nhận ruộng, tạm giao theo phương án đã xây dựng, đồng thời tạm giao số diện tích đất công theo quy hoạch ở thôn cho số khẩu (thời điểm giao ruộng theo Nghị định 64 của Chính phủ) để sản xuất.
Huy động mỗi ngày khoảng 10 máy cày, bừa các loại |
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Doanh, sau khi gieo cấy xong vụ xuân 2013, sẽ tiến hành xem xét, rà soát lại phương án DĐĐT cụ thể của thôn Trung Vực Trong để đưa ra nhân dân bàn và tổ chức triển khai thực hiện giao ruộng chính thức cho nhân dân, với thời gian hoàn thành trong năm 2013.
Những ngày vừa qua, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu, tạm nhận ruộng được giao theo phương án đã xây dựng để sản xuất cho kịp thời vụ, đoàn công tác của huyện đã xuống chỉ đạo trực tiếp UBND xã, HTX Thượng Vực tập trung nguồn lực để hoàn thành cấy lúa xuân trên diện tích canh tác của thôn Trung Vực Trong bảo đảm kịp thời vụ. Ngày hôm qua và hôm nay (26 và 27-2), trên cánh đồng của thôn Trung Vực Trong có khoảng 10 máy cày các loại tập trung vào làm đất để phục vụ cấy lúa xuân.
Đến hết 5-3 mới là hạn cuối của lịch gieo cấy vụ xuân 2013. Hiện bà con nông dân các xã lân cận Thượng Vực vẫn đang tích cực cấy hết diện tích lúa xuân cho kịp thời vụ |
Được biết, ngoài diện tích mạ mà các hộ dân trong thôn Trung Vực Trong đã gieo (đáp ứng khoảng 70% diện tích canh tác), thì UBND huyện còn chỉ đạo gieo bổ sung và huy động số mạ thừa trên địa bàn xã Thượng Vực, các xã lân cận bảo đảm cấy hết diện tích canh tác của các hộ dân trong thôn. Đối với các hộ cố tình không nhận ruộng và cấy lúa xuân năm nay, UBND huyện chỉ đạo các đoàn thể địa phương có trách nhiệm nhận cấy không để bỏ hoang ruộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.