Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ giải quyết các bất cập trong quản lý chung cư bằng quy chế

L.H| 03/11/2012 00:24

(HNMO) – Trong quá trình đô thị hóa, các khu chung cư của Hà Nội mọc lên tương đối nhanh, nhưng quá trình quản lý, vận hành sau đó lại có nhiều bất cập, xảy ra tranh chấp, khiếu kiện giữa người dân và chủ đầu tư.

Hà Nội phải xây dựng Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn

Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá: Trước đây, Hà Nội chỉ có loại chung cư thấp tầng (khoảng 5 tầng) với mục đích xây dựng chủ yếu là để ở thì hiện nay, việc phát triển nhà chung cư không chỉ tăng về chiều cao, đa dạng về hình thức sở hữu và quy mô diện tích căn hộ mà còn đa dạng, hỗn hợp về mục đích sử dụng (vừa làm nhà ở, trung tâm thương mại, siêu thị, văn phòng...).

Trong khi một số quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà ở chung cư nêu trong Luật nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành lại chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, cộng với nhận thức một số chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành nhà ở chung cư, của một bộ phận người dân về việc quản lý, sử dụng nhà ở chung cư còn nhiều hạn chế, nên trong thời gian qua đã xảy ra một số vướng mắc trong quá trình quản lý hoặc xảy ra khiếu kiện, tranh chấp giữa người dân và chủ đầu tư...

Theo ông Hùng, để giải quyết những tồn tại, hạn chế trên cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: Nghiên cứu, thống kê các vướng mắc, khiếu kiện, tranh chấp liên quan đến việc quản lý vận hành nhà chung cư, từ đó đối chiếu với các quy định hiện hành của pháp luật để tiếp tục kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về vấn đề này.

Đáng chú ý, trong thời gian chờ sửa đổi Luật Nhà ở cần phải ban hành Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP theo hướng: việc quản lý sử dụng nhà chung cư thực hiện theo nguyên tắc chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý nhà chung cư (được chủ đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền đặt hàng quản lý) chịu trách nhiệm quản lý sử dụng, vận hành có sự phối hợp giám sát của Ban quản trị nhà chung cư và chính quyền địa phương nơi có nhà chung cư.

Đồng tình với quan điểm của ông Hùng, ông Cao Tiến Đạt Giám đốc Công ty xây dựng số 5 Hà Nội cho rằng cần làm rõ tư cách pháp nhân của Ban quản trị nhà chung cư. Ông Nguyễn Đức Sơn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cũng cho biết, qua 2 năm quản lý thí điểm nhà chung cư tại khu Trung Hòa - Nhân Chính, Công ty thấy cần phải tính đến bài toán quy hoạch, thiết kế nhà chung cư vì có chung cư không có tầng hầm, thiếu hạ tầng xã hội. Do đó, theo ông Sơn, phải có quỹ bảo trì (2%) đối với tất cả các loại nhà dù kinh doanh thương mại, tái định cư hay nhà ở xã hội...


Sẽ điều chỉnh quản lý nhà chung cư trong Luật Nhà ở sửa đổi

Nhìn nhận chung về vấn đề quản lý nhà chung cư, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đánh giá: Việc quản lý nhà chung cư quan trọng là công khai để dân biết mọi khoản thu, chi; Phải thỏa thuận ngay từ đầu về diện tích chung, riêng, nguyên tắc về phí dịch vụ... Ông Hà cũng cho biết, sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ điều chỉnh quy định, trong đó, nhà chung cư sẽ được điều chỉnh trong Luật Nhà ở.

Bên cạnh đó, Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam bày tỏ: Vấn đề quản lý chung cư không đơn giản, cần thống nhất quan điểm trong lúc chờ đợi sự thay đổi của Luật Nhà ở, cần có quy định cụ thể của từng địa phương, đặc biệt là Hà Nội, địa phương có nhiều chung cư. Về chính quyền, cần làm rõ quận, huyện phải chịu trách nhiệm chính về quản lý chung cư. Thành phố cần có chỉ thị về vấn đề này. Bên cạnh đó cần có các mẫu hợp đồng, sổ tay chung cư để dân dễ hiểu; Tạo điều kiện phát triển các công ty quản lý chung cư, thành lập Hiệp hội...

Nhằm tháo gỡ những xung đột giữa người dân và chủ đầu tư, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, Nguyễn Thế Hùng đề xuất: Đối với quận, huyện có nhà chung cư cần chủ động phối hợp với chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành để tháo gỡ tranh chấp, vướng mắc của người dân. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn để người dân sống trong các tòa nhà chung cư nắm rõ được các quy định của UBND TP liên quan đến việc quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư để thực hiện theo đúng quy định.

Đối với trường hợp đã có luật pháp điều chỉnh, UBND các quận, huyện cần chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc thực hiện hoặc hướng dẫn các chủ đầu tư, đơn vị quản lý nhà chung cư thực hiện nghiêm chỉnh. Đối với những vi phạm đã được pháp luật quy định và có chế tài xử lý, UBND các quận, huyện cần tổ chức kiểm tra để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm thiết lập trật tự, kỷ cương trong quản lý sử dụng nhà ở chung cư.

Những thông tin trên được nêu trong hội thảo “Quản lý nhà chung cư cao tầng - thực trạng và giải pháp” diễn ra vào sáng 2/11, do Sở Xây dựng Hà Nội phối hợp với Hội Xây dựng TP Hà Nội tổ chức. Hội thảo nhằm trao đổi, đánh giá, bổ sung về thực trạng và đề xuất kiến nghị những nội dung cần thiết để đưa vào nội dung Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP, trình UBND TP Hà Nội ban hành sắp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ giải quyết các bất cập trong quản lý chung cư bằng quy chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.