Xét tuyển vào đại học bằng học bạ trung học phổ thông là đánh giá cả quá trình học tập của thí sinh ở 3 năm học lớp 10, 11, 12 chứ không căn cứ vào 1 - 2 đợt kiểm tra. Đây là kênh thông tin quan trọng đánh giá năng lực và triển vọng tiếp tục học tập của thí sinh ở bậc học cao hơn.
Tính đến chiều 5-3, theo ghi nhận, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đã công bố đề án tuyển sinh năm 2024 đều dành chỉ tiêu đáng kể cho phương thức xét tuyển bằng học bạ trung học phổ thông. Như vậy, lo lắng ban đầu của nhiều thí sinh về việc năm nay các trường không còn sử dụng phương thức xét tuyển học bạ đã được giải tỏa. Thí sinh hoàn toàn yên tâm tập trung học tập thật tốt để có kết quả kiểm tra các môn học trong học bạ tốt, tạo thuận lợi và tăng cơ hội trúng tuyển đại học bằng phương thức xét học bạ.
Những băn khoăn, lo lắng về việc sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ có bảo đảm công bằng với thí sinh tham gia xét tuyển bằng phương thức khác hay không, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin: Xét tuyển bằng học bạ trung học phổ thông đánh giá cả quá trình học tập của thí sinh ở 3 năm học lớp 10, 11, 12 chứ không căn cứ vào 1 - 2 đợt kiểm tra. Đây cũng là một trong những kênh thông tin quan trọng để đánh giá năng lực, khả năng học tập, tiếp thu kiến thức và triển vọng tiếp tục học tập của các em ở bậc học cao hơn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo dự đoán, sẽ còn nhiều cơ sở giáo dục đại học sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ trung học phổ thông để tuyển sinh trong kỳ tuyển sinh năm nay.
Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy chế tuyển sinh đại học yêu cầu các cơ sở giáo dục có trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó, các trường cần có phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm theo các phương thức, tổ hợp xét tuyển khác nhau.
Thời gian vừa qua, nhiều trường đại học đã công bố một số phân tích đối sánh, tương quan để xem xét các phương thức tuyển sinh như xét tuyển bằng học bạ, xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông… Qua đó, đánh giá tương quan với kết quả học tập của sinh viên khi vào học ở trình độ đại học. Kết quả phân tích này là một trong những căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học điều chỉnh phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu dành cho các phương thức… hợp lý, khoa học và có căn cứ.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, dù tuyển sinh đại học bằng phương thức nào thì quan trọng nhất là bảo đảm được chất lượng đầu vào, đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo, đồng thời, bảo đảm công bằng giữa các thí sinh ứng tuyển. Đối với cơ sở giáo dục đại học đào tạo các ngành không có mức độ cạnh tranh quá cao, việc thí sinh đạt ngưỡng kết quả học tập (thể hiện qua điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông hay học bạ trung học phổ thông) là có thể vào học được. Các em không gặp phải khó khăn gì khi theo học.
Đối với các trường đại học, ngành đào tạo có mức độ cạnh tranh cao cần có sự đối sánh công bằng. Theo đó, các trường, ngành đào tạo cần mặt bằng chung tin cậy để xét tuyển từ cao xuống thấp. Do vậy, các trường có thể sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc cần một kỳ thi tuyển sinh riêng như đánh giá tư duy, đánh giá năng lực… Với trường đào tạo các ngành đặc thù cần có kỳ thi năng khiếu riêng…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.