(HNMO) - Chiều 10-5, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 23, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2030.
Trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự thảo gồm 4 chương, 26 điều. Việc xây dựng dự thảo Nghị quyết nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2023-2030, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thực hiện theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn có trọng tâm và cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả. Đồng thời bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân...
Đáng lưu ý, để nâng cao chất lượng của đơn vị hành chính đô thị, góp phần khắc phục bất cập, hạn chế trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn trước, dự thảo Nghị quyết quy định một điều riêng về sắp xếp đơn vị hành chính đô thị, trong đó quy định cụ thể các trường hợp sắp xếp đơn vị hành chính đô thị.
Đặc biệt, để bảo đảm chất lượng của đơn vị hành chính đô thị và khuyến khích các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính gắn với mở rộng không gian phát triển đô thị, dự thảo Nghị quyết quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị trong từng giai đoạn sắp xếp. Trong mỗi giai đoạn, tùy từng trường hợp mà xem xét điều kiện về sự phù hợp với quy hoạch và các tiêu chí về cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, tiêu chí trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị cho phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định về nguyên tắc sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì các đơn vị hành chính phải đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Tuy nhiên, thực tiễn có trường hợp vì các điều kiện khách quan mà đơn vị hành chính sau sắp xếp không bảo đảm các tiêu chuẩn dự thảo Nghị quyết có tính đến yếu tố đặc thù của các địa bàn có quy mô dân số lớn trong khi diện tích tự nhiên nhỏ.
Dự thảo Nghị quyết quy định tạm dừng bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và dừng tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức nơi sắp xếp đơn vị hành chính kể từ ngày UBND cấp tỉnh trình Chính phủ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương. Điều này nhằm bảo đảm các địa phương có thời gian rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cho phù hợp.
Dự thảo Nghị quyết quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành, các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính mới phải hoàn thành xong việc sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy.
Về sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính, dự thảo Nghị quyết quy định trong quá trình xây dựng đề án sắp xếp đồng thời lập danh sách và dự kiến phương án sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công thuộc phạm vi quản lý. Trong thời hạn 2 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành, phải hoàn thành việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công tại đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp.
Sau khi tiến hành thảo luận, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo Nghị quyết, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở tờ trình, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội được giao xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội; trường hợp cần thiết sẽ trình Bộ Chính trị xem xét các nội dung quan trọng. Nếu dự thảo Nghị quyết đã đủ điều kiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn tại phiên họp tháng 7-2023.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.