(HNM) - Một số quy định mới trong Luật Công chứng được hi vọng sẽ cải thiện đáng kể tình trạng quá tải chứng thực tại các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay.
Luật Công chứng (sửa đổi) có một số điểm mới trong quy định về phạm vi công chứng, công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và quản lý nhà nước về công chứng. Trong đó, phạm vi công chứng được mở rộng hơn so với Luật Công chứng năm 2006. Cùng với nhiệm vụ chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, công chứng viên có thêm quyền công chứng bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại.
Đáng chú ý, công chứng viên được giao nhiệm vụ chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản. Do vậy, người dân sẽ có thêm sự lựa chọn địa điểm thực hiện thủ tục chứng thực là gồm Phòng Công chứng và Văn phòng Công chứng, thay vì chỉ ở UBND cấp xã, cấp huyện. Đó chính là điểm mấu chốt góp phần làm giảm tình trạng quá tải chứng thực ở nhiều cơ quan hành chính nhà nước. Bởi hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và trong Nghị định số 04/2012/NĐ-CP ngày 20-1-2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP thì việc chứng thực được thực hiện tại UBND cấp xã (đối với các văn bản, giấy tờ bằng tiếng Việt) và tại UBND cấp huyện (đối với cả văn bản tiếng Việt và tiếng nước ngoài). Song, trên thực tế, lượng giao dịch về chứng thực ở các đơn vị quá nhiều. Nhất là cấp huyện, có nơi lượng giao dịch mảng tư pháp lên tới hơn 2.000 hồ sơ/tháng nên cán bộ luôn phải làm việc với cường độ cao. Chính vì quá tải mà nhiều nơi không trả được kết quả trong ngày làm việc theo đúng quy định trong Nghị định 79/2007/NĐ-CP, cũng như xảy ra tình trạng người dân phải xếp hàng rất lâu mà vẫn không đến lượt.
Tuy nhiên, để Luật Công chứng (sửa đổi) đi vào thực tiễn, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức và người dân cùng nắm rõ. Tránh tình trạng "vênh" nhau về nhận thức giữa quy định cũ và mới dẫn tới việc thực hiện không đúng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tính đến việc quy định mức phí và lệ phí tại các Phòng Công chứng và Văn phòng Công chứng đối với hoạt động chứng thực, sao cho không quá chênh lệch so với giá chứng thực trong các cơ quan hành chính nhà nước để người dân yên tâm tới giao dịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.