Các chuyên gia thiên văn dự đoán sẽ có một trận mưa sao băng có thể đạt đến cấp độ bão lần đầu tiên xảy ra trên khí quyển Trái đất.
Đó là mưa sao băng Camelopardalids được tạo thành từ các mảnh vụn của sao chổi 209P/LINEAR để lại trên quỹ đạo Trái đất.
Rạng sáng ngày 24 và 25-5, trong khoảng 2g-4g sáng là thời điểm lý tưởng nhất để quan sát mưa sao băng. |
Trước đây, các chuyên gia thiên văn thế giới dự đoán mưa sao băng Camelopardalids năm 2014 sẽ cho phép người xem chứng kiến một lượng sao băng lớn vô cùng hiếm có, có thể lên tới 800 hay 1.000 sao băng mỗi giờ, hoặc có thể hơn nữa (mưa sao băng lớn nhất hằng năm hiện nay như Perseids, Geminids cũng chỉ đạt mật độ từ 100 đến 200 sao băng mỗi giờ).
Tuy nhiên theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn - chủ tịch Câu lạc bộ Thiên văn trẻ Việt Nam: “Dự đoán chính xác hơn từ cuối năm 2013 đã cho biết mưa sao băng sắp diễn ra sẽ có mật độ ước tính 200 sao băng mỗi giờ, có nghĩa là tương đương với một trận mưa sao băng loại rất lớn, nhưng có lẽ chưa đủ để gọi là bão.
Mặc dù vậy, 200 sao băng mỗi giờ tương đương với một mưa sao băng rất lớn và hết sức đáng chú ý. Nếu thời tiết tương đối thuận lợi, người yêu thích thiên văn sẽ có cơ hội quan sát một hiện tượng hấp dẫn và không hề xảy ra thường xuyên”.
Theo ông Sơn, mưa sao băng Camelopardalids sẽ có thời gian cực điểm rơi vào khoảng ngày 23 đến 24-5. Dự đoán khoảng thời gian đẹp nhất của hiện tượng sẽ rơi vào từ 13g-15g theo giờ Việt Nam.
Như vậy, tại Việt Nam người xem sẽ không quan sát được đúng cực điểm của hiện tượng này. Tuy nhiên, đêm 23 và 24-5 vẫn là khoảng thời gian tuyệt vời để quan sát mưa sao băng với mật độ vẫn lên tới trên dưới 200 sao băng mỗi giờ.
Rạng sáng ngày 24 và 25-5, trong khoảng 2g-4g sáng là thời điểm lý tưởng nhất để quan sát hiện tượng này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.