(HNM) - Pokémon Go gây
Trên đường Trương Định nhiều người dừng xe bên lề, thậm chí vừa lái xe vừa "bắt con" Pokémon - Ảnh: CƯƠNG TRẦN |
Từ những hệ lụy này, dư luận đặt câu hỏi liệu có biện pháp gì để quản lý trò chơi này? Trả lời phỏng vấn Báo Hànộimới chiều 16-8, Phó cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Quang Tự Do cho biết, Bộ sẽ liên hệ với nhà sản xuất, phát hành trò chơi này, yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam và bảo đảm quyền lợi, sự an toàn của người chơi.
- Trò chơi (game) Pokémon Go mới được phát hành ở Việt Nam từ ngày 6-8 nhưng đã tạo "cơn sốt" với giới trẻ. Vậy, đâu là lý do để có "cơn sốt" này, thưa ông?
- Game Pokémon Go đã được phát hành trước và tạo "cơn sốt" tại nhiều nước trên thế giới. Khi vào Việt Nam, game này cũng tạo ra "sức nóng" với giới trẻ trong nước. Qua tìm hiểu, tôi cho là nguyên nhân do game có tính năng tương tác ảo, tính năng mới so với các game khác. Thứ nữa, Pokémon Go hấp dẫn còn nhờ sự vào cuộc của truyền thông khi đưa tin với mức độ "đậm đặc", không khác nào quảng cáo không công cho game; tạo ra hiệu ứng truyền thông, từ đó không ít bạn trẻ coi đây là một cấp độ để thể hiện mình, coi chơi game này là trào lưu thời thượng... Thứ ba, game có yếu tố tích cực là khiến người chơi phải vận động, không ngồi một chỗ.
- Và chính sự vận động của người chơi đã gây ra không ít cảnh bi hài, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng?
- Trò chơi Pokémon có nhiều điểm gây nguy cơ với xã hội. Trước hết là mất an toàn về quyền lợi người chơi, do trò chơi được cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (không cần phải thành lập văn phòng, đặt máy chủ tại Việt Nam), nên nếu người chơi gặp rủi ro về tài khoản thì không ai bảo vệ quyền lợi. Thứ hai là mất an toàn về thông tin, khi xuất hiện nhiều trang web giả mạo cài đặt mã độc, vi rút đánh cắp thông tin cá nhân... Thứ ba là mất an toàn cho người chơi trên thực địa, vừa chơi vừa tham gia giao thông dẫn đến nguy cơ tai nạn cao... Ngoài ra, tôi muốn nhấn mạnh là người chơi còn phải chú ý tránh những địa điểm, khu vực cấm, nhạy cảm. Ở Việt Nam, chưa có thống kê cho thấy người chơi Pokémon vào các khu vực cấm, khu vực nhạy cảm, nhưng đã có trường hợp mải bắt Pokémon ảo mà cầm điện thoại vào khu vực cấm quay phim, chụp hình... như vậy sẽ dẫn đến vi phạm pháp luật.
- Bộ Thông tin và Truyền thông có khuyến nghị gì với những vấn đề được nêu?
- Do mức độ ảnh hưởng của trò chơi này tới người chơi và xã hội nên Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử đã xây dựng khuyến nghị với người chơi, hiện đang trình lãnh đạo Bộ. Chúng tôi có nêu, người chơi phải cẩn trọng và cân nhắc để tự bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia trò chơi này; tự bảo vệ thông tin cá nhân; khi di chuyển chơi game phải tránh các khu vực cấm, khu vực nhạy cảm (như đền, chùa...), khu nguy hiểm (lòng đường...); không vừa chơi vừa tham gia giao thông; cẩn trọng khi cài đặt, tải phần mềm, đặc biệt không tải phần mềm không rõ nguồn gốc; cán bộ, công chức không được chơi game trong giờ làm việc... Các khuyến nghị này có tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước, như: Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Pháp... Khi tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong quản lý trò chơi này, chúng tôi thấy, ngay cả quốc gia có công ty sản xuất trò chơi này là Mỹ và quốc gia có công ty kinh doanh cùng là Nhật Bản cũng yêu cầu phải tuân thủ quy định của pháp luật.
Chúng tôi cũng đã đề xuất Bộ có văn bản yêu cầu nhà sản xuất và phát hành tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm trò chơi này không gây tác động xấu với xã hội. Nhà sản xuất không được "thả" Pokémon ở khu vực nhạy cảm, nguy hiểm; yêu cầu bảo đảm quyền lợi và an toàn thông tin người chơi... Hiện, các công ty phát hành Apple, Google đã có cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ gỡ bỏ game nếu vi phạm pháp luật Việt Nam. Còn với nhà sản xuất, chúng tôi sẽ liên hệ và gửi yêu cầu, nếu họ không hợp tác và tuân thủ pháp luật khi cung cấp game vào Việt Nam, sẽ có các giải pháp khác để bảo vệ người chơi.
- Xin cảm ơn ông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.